Ngành chăn nuôi - nhiều nỗi lo: Trăn trở của nhà sản xuất, cung ứng (Bài 2)

09:46, 07/08/2013

Không chỉ có người chăn nuôi lợn lao đao vì giá bán thấp, thị trường ế ẩm mà ngay cả các nhà sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi cũng gặp những khó khăn nhất định. Cái khó ở đây chính là sản lượng thức ăn chăn nuôi cung ứng sụt giảm, nguồn hàng tồn đọng nhiều, thu hồi vốn chậm…

Hiện tại, cả tỉnh có 3 doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô từ 50 nghìn đến 100 nghìn tấn/năm (đã có 1 đơn vị phải tạm dừng hoạt động vì thiếu vốn) và khoảng trên 100 hộ chế biến thức ăn gia súc nhỏ lẻ (chủ yếu là xay xát, nghiền ngô, khoai, sắn). Cả tỉnh cũng có tới gần 1.000 cửa hàng, đại lý cung ứng thức ăn chăn nuôi ở khắp các địa phương.

 

 

Trang trại nợ tiền - tình cảnh chung

 

Khối lượng thức ăn chăn nuôi cung cấp hàng ngày cho mấy trăm trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh là khá lớn. Và khi “cầu” gặp khó khăn thì “cung” - những đơn vị sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi - cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Anh Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ Phòng Quản lý khách hành, Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi và Nông nghiệp EH Việt Nam cho biết: Tôi được giao phụ trách quản lý khách hàng khu vực Thái Nguyên 1 (gồm 2 huyện Phú Bình và Võ Nhai). Trước đây, sản lượng thức ăn chăn nuôi của Công ty tiêu thụ trên địa bàn 2 huyện này trung bình khoảng 800 tấn/tháng. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 năm nay, nhiều trang trại đã giảm quy mô hoặc dừng chăn nuôi nên sản lượng tiêu thụ của chúng tôi chỉ còn khoảng 400 tấn/tháng. Giá thức ăn chăn nuôi hiện đã tăng lên từ 10% đến 20% so với năm trước, nhưng không phải vì giá tăng mà lợi nhuận thu về nhiều hơn. Thực tế thì do giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao đã đội giá thành phẩm lên.

 

Là chủ một đại lý chuyên bán thức ăn chăn nuôi, chị Phạm Thị Thúy, ở xóm Nam Đồng, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) rất hiểu những khó khăn hiện tại trong chăn nuôi. Thời điểm này năm trước, đại lý của chị bán được khoảng 100 tấn cám/tháng, nhưng giờ chỉ bán được một nửa số đó. Chị tâm sự: Nhiều hộ chăn nuôi sau khi bán được lợn đã không trả đủ tiền cám cho đại lý. Có hộ do thua lỗ nhiều chỉ trả được 1/3 số nợ nên hiện tại đại lý của tôi đang bị đọng vốn trong dân khoảng 3 tỷ đồng. Thực tế kinh doanh của đại lý hiện đang không có lãi, bởi để có vốn nhập hàng đại lý đã phải vay lãi ngân hàng, vay lãi ngoài, trong khi vốn chưa thể thu hồi… Đối với bà Nguyễn Thị Đạc, một trong những chủ đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi lớn ở huyện Phú Bình thì tình cảnh cũng không khác là bao. Nếu thời điểm từ cuối năm 2011 trở về trước, mỗi tháng đại lý của bà tiêu thụ khoảng 300 tấn thức ăn chăn nuôi thì hiện nay, mỗi tháng chỉ tiêu thụ được khoảng 180 tấn. Chăn nuôi thua lỗ khiến nhiều chủ trang trại lợn phải nợ tiền đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi. Và số tiền mà họ còn nợ đại lý nhà bà Đạc đã lên tới trên 3 tỷ đồng.  

 

Cùng “thuyền” với người chăn nuôi

 

Công ty Ngôi Sao Hy Vọng là một trong không nhiều đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay. Khi người chăn nuôi gặp khó thì doanh nghiệp này cũng chịu những ảnh hưởng đáng kể. Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Công ty chia sẻ: Cái khó mà chúng tôi đang gặp phải chính là giá nguyên, vật liệu, giá điện liên tục tăng đã khiến chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng theo. Trong khi đó, chi phí tài chính vẫn khá cao do cơ chế cho vay của các ngân hàng còn nhiều bất cập. Tuy khó khăn là vậy, nhưng chúng tôi không vì thế mà ép người chăn nuôi. Công ty đã quyết định trong thời điểm này không tăng giá bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, nhất là đối với sản phẩm cám chăn lợn, mà còn hỗ trợ giảm giá bán cho các hộ chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi quy mô lớn.

 

Cũng với suy nghĩ người chăn nuôi và nhà cung ứng là “cùng hội, cùng thuyền”, khi “thuyền” gặp sóng lớn thì cùng phải biết nương tựa, giúp đỡ nhau để vượt qua trở ngại, chị Phạm Thị Thúy, chủ đại lý bán thức ăn chăn nuôi ở xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Chúng tôi vẫn tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi bằng cách cho họ chịu tiền cám đến khi bán lợn. Thực chất, cứu họ cũng là tự cứu mình, bởi không làm như vậy thì không biết đến khi nào chúng tôi mới có thể thu được vốn mà họ đang nợ. Tâm trạng của tôi lúc này cũng giống như những người chăn nuôi, chỉ mong sao giá lợn tăng trở lại.

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có ít nhất 4 đơn vị đứng ra thực hiện việc đầu tư cung ứng và bao tiêu sản phẩm chăn nuôi, gồm: Chi nhánh Công ty C.P tại Thái Nguyên, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển chăn nuôi gia công (Dabaco), Công ty cổ phần Phát triển công nghệ nông thôn (RTD) và Công ty cổ phần Japfa Comfeed Việt Nam. Có một số trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn đã nhận nuôi gia công cho 4 đơn vị này. Những trang trại trên được doanh nghiệp cung cấp con giống, phương pháp kỹ thuật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và được lo toàn bộ đầu ra, nên trong giai đoạn khó khăn hiện nay gần như họ ít bị ảnh hưởng nhất. Ông Nguyễn Đình Trí, Trưởng Chi nhánh Công ty C.P tại Thái Nguyên cho biết: Chi nhánh đang có khoảng 20 trang trại chăn nuôi lợn thịt gia công trên địa bàn. Dù doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, song người chăn nuôi gia công vẫn được đơn vị bảo lãnh giữ nguyên giá gia công là 3.000 đồng/kg… Thiết nghĩ đây cũng là một giải pháp khá hiệu quả góp phần ổn định chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

 

Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Công ty Ngôi Sao Hy Vọng: Hiện nay, khi lãi suất huy động tăng, ngân hàng điều chỉnh tăng ngay lãi suất cho vay. Nhưng khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất người vay phải trả hết cả nợ gốc và lãi thì mới được giảm lãi suất. Mà điều đó là không thể thực hiện được với người chăn nuôi và cả với doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi...


 

 

Bà Nguyễn Thị Đạc, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi tại huyện Phú Bình: Mặc dù nhiều hộ chăn nuôi còn nợ tiền thức ăn chăn nuôi, song tôi nhận thấy đây là khó khăn chung, cần phải cùng chia sẻ với họ. Thiết nghĩ các ngành chức năng cũng nên có những cơ chế hỗ trợ nhất định cho bà con…