Thí điểm vùng chăn nuôi tập trung ở tỉnh Đồng Nai

08:16, 02/08/2013

Ngày 1/8, ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết Đồng Nai là tỉnh duy nhất trong cả nước được chọn thực hiện thí điểm vùng quy hoạch chăn nuôi (LPZ) của dự án nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi (gọi tắt là dự án LIFSAP).

Dự án LIFSAP được triển khai tại 12 tỉnh, thành trong cả nước do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Riêng tại Đồng Nai, dự án được triển khai từ năm 2010-2015 với tổng vốn đầu tư 6,4 triệu USD.

 

Dự án được thực hiện với nhiều chương trình nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi thông qua cải thiện điều kiện chăn nuôi, an toàn thực phẩm và giảm thiểu rủi ro với môi trường trong chuỗi cung ứng thịt từ trang trại đến bàn ăn...

 

Dự kiến, khu LPZ sẽ xây dựng tại xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất với diện tích 150ha. Dự án sẽ đầu tư hạ tầng trục và tổ chức chăn nuôi theo quy chế về khu khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung. Hiện nay, tỉnh đang đánh giá công tác xã hội và môi trường để gửi hồ sơ cho WB xem xét.

 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện dự án, đến nay, Ban quản lý dự án LIFSAP của tỉnh đã thành lập được 49 nhóm (20 hộ chăn nuôi/nhóm) áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) tại các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc và thị xã Long Khánh; hỗ trợ 23 hộ mô hình mẫu nâng cấp chuồng trại theo quy trình GAHP.

 

Bên cạnh đó, dự án cũng đã hỗ trợ xây dựng 204 công trình xử lý chất thải chăn nuôi (kế hoạch 1.140 công trình).

 

Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ nâng cấp 3 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (trong kế hoạch thực hiện 29 cơ sở).

 

Theo dự án, chương trình sẽ hỗ trợ tỉnh nâng cấp và xây mới 34 chợ thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Đến nay, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ nâng cấp và đã đi vào hoạt động 17 chợ thực phẩm tươi sống ở các huyện, thị và thành phố Biên Hòa.

 

Đặc biệt, trong thời gian tới, dự án sẽ phối hợp với các ngành liên quan xây dựng mô hình liên minh sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu “thịt GAHP".