Bảy tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) cả nước ước đạt gần 73 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ. Nhiều ngành kinh tế chiếm tỷ trọng kim ngạch XK lớn tiếp tục có những chuyển biến tích cực với nhiều tín hiệu lạc quan về bức tranh XK những tháng cuối năm 2013.
Điểm sáng dệt may
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), 7 tháng qua, XK dệt may Việt Nam đã đạt khoảng 9,6 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Hiện dệt may đã khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới, đặc biệt những thị trường quan trọng như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... “Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm gần 45% tổng kim ngạch XK toàn ngành và tăng 12%. Tiếp đến là EU, tăng hơn 18%. Điều đáng mừng ở thị trường này là doanh nghiệp đã mở rộng được việc XK sang nhóm các nước đang phát triển, thành viên mới trong khối...”, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Vinatex phân tích.
Các doanh nghiệp dệt may tại TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện có nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài đang tìm cách tiếp cận đặt hàng, tăng sản lượng đơn hàng và doanh nghiệp dệt may phải “cân nhắc” đơn hàng tốt nhất để ký hợp đồng. Nhiều đơn vị đã có đơn hàng sản xuất đến hết năm và không ít doanh nghiệp đang tính đến việc mở rộng quy mô sản xuất, cũng như tuyển dụng thêm nhân sự để đáp ứng yêu cầu của đối tác. Số liệu thống kê cho thấy, hầu hết những chủng loại hàng dệt may đều tăng trưởng mạnh, trong đó đứng đầu bảng xếp hạng vẫn là áo thun, quần và áo Jacket. Ngoài ra, những mặt hàng như: váy, quần short, áo sơ mi... cũng đạt được mức tăng trưởng từ 20 - 60%.
Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch XK cả năm 2013 của Việt Nam sẽ đạt 127 tỉ USD, tăng khoảng 1 tỉ USD so với kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ đề ra. |
Nhìn về những tháng cuối năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những vòng đàm phán cuối cùng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đang diễn ra và xuất khẩu dệt may sẽ có bước đột phá từ đây. Hiện nhiều doanh nghiệp đã chủ động phương án kinh doanh cụ thể đón đầu Hiệp định này. “Là một hiệp định thương mại tự do với mục đích bỏ thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa giao dịch giữa 12 quốc gia. Mặc dù có tác động lớn đến nhiều lĩnh vực, nhưng có thể nói ngành dệt may sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi mang lại cơ hội XK vào các thị trường này với mức thuế được đưa xuống 0% và mức tăng trưởng hàng năm sẽ tăng lên hơn 2 lần”, ông Trường dự báo.
Tăng tốc xuất khẩu nông thủy sản
Trái ngược với không khí hân hoan của ngành dệt may, nhóm ngành nông, thủy sản vốn là điểm mạnh về XK của Việt Nam, lại gặp nhiều khó khăn khi giá cả liên tục sụt giảm. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch XK nông lâm thủy sản trong 7 tháng qua chỉ đạt gần 15,6 tỷ USD, giảm hơn 1,6% so với cùng kỳ năm 2012. Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu những mặt hàng nông sản chính như: gạo, thủy sản... giảm. “Từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại nông sản XK đã giảm 15 - 25%. Ngoài vấn đề giá, còn do một số mặt hàng nằm trong nhóm thủy sản, nông sản gặp khó khăn khi một số nước nâng tiêu chuẩn chất lượng nhập khẩu hoặc vấp phải hàng rào bảo hộ”, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, XK gạo các tháng đầu năm nay tuy số lượng không đạt kế hoạch đề ra, nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2012. Giá gạo XK đã giảm từ mức 410 USD/tấn loại 5% tấm vào đầu năm xuống còn 365 USD/tấn hiện nay. Đặc biệt, giá gạo của Việt Nam đã tách ra khỏi mặt bằng giá gạo thế giới và trở thành nguồn cung cấp rẻ nhất. Riêng XK thủy hải sản cũng đang trong giai đoạn khó khăn khi tổng giá trị XK giảm nhẹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, nhờ sự hồi phục mạnh của thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật... và nguồn cung tôm thế giới thiếu hụt do dịch bệnh, XK thủy sản của Việt Nam vẫn đạt xấp xỉ con số năm 2012, từ 6 - 6,2 tỉ USD.
Có cái nhìn lạc quan, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, các tháng cuối năm tình hình XK nhóm hàng nông thủy sản sẽ khởi sắc. Do đây là thời điểm rơi vào các ngày nghỉ lễ quan trọng nhất hàng năm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, ăn uống của đại bộ phận người dân sẽ tăng. Từ tháng 6, cùng với nguồn nguyên liệu thủy hải sản trong nước như: tôm, cá tra, cá ngừ... dồi dào, nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên thị trường thế giới đã bắt đầu ấm lên. Nhờ vậy, XK thủy sản bắt đầu có xu hướng tăng vào tháng 6, 7 và đều tăng hơn so với cùng thời điểm năm 2012.
Với lúa gạo, khả năng thị trường XK gạo cũng sẽ sôi động trở lại trong những tháng cuối năm, đặc biệt đối với phân khúc gạo thơm, chất lượng cao. Ngay từ tháng 7, thị trường XK gạo trong nước đã bắt đầu khởi sắc. Khách hàng ở một số nước châu Phi, Trung Quốc... đã quan tâm đến sản phẩm gạo chất lượng cao và gạo thơm. Theo ghi nhận của phóng viên tại các doanh nghiệp XK gạo, giá gạo XK đã tăng trở lại thêm trung bình khoảng 15USD/tấn sau thời gian dài giảm mạnh.
Vượt kế hoạch xuất khẩu
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, những tháng cuối năm 2013, kinh tế thế giới dự kiến sẽ có sự hồi phục rõ nét. XK nhiều mặt hàng, bao gồm các mặt hàng nông sản sẽ hồi phục mạnh trở lại kể từ đầu quý IV/2013. Hiện Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, ưu tiên chú trọng những thị trường tiềm năng, chủng loại hàng hóa có nguồn cung lớn nhưng XK đang gặp khó khăn. Ngân hàng Nhà nước cũng đã cam kết sẽ có cơ chế tín dụng đặc thù cho vùng nguyên liệu. Theo đó, Chính phủ và hệ thống ngân hàng sẽ sớm đưa ra những quy định mới phù hợp hơn nhằm khắc phục tình trạng tín dụng đầu tư cho vùng nguyên liệu thì thấp, trong khi cho vay chế biến lại có tỷ trọng cao.
Dựa trên cơ sở nhiều nền kinh tế lớn như: Mỹ, Nhật Bản, EU... sẽ liên tiếp tung ra các gói kích thích kinh tế phục hồi sản xuất, kinh doanh và nâng cao niềm tin tiêu dùng. Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch XK cả năm 2013 của Việt Nam sẽ đạt 127 tỉ USD, tăng khoảng 1 tỉ USD so với kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ đề ra. Trước đó, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ ngành chức năng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm một số ngành hàng có lượng hàng hóa lớn như gạo, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều... Bộ cũng nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường, giúp doanh nghiệp hạn chế được những rủi ro tại thị trường nước ngoài.
“Chúng tôi đang tập trung triển khai các giải pháp cụ thể trong đề án Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, đẩy mạnh hoạt động đàm phán song phương, đa phương nhằm mở rộng thị trường XK, tập trung khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống; quan tâm phát triển các thị trường mới có nhiều tiềm năng...”, ông Chinh cho biết.