Không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), song sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình này, xã Kim Phượng đã hoàn thành được 10/19 tiêu chí và là một trong những địa phương hưởng ứng tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Định Hóa.
Xác định xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương nên ngay từ khi triển khai Chương trình, công tác tuyên truyền đã được cấp ủy Đảng, chính quyền xã Kim Phượng chú trọng. Trong công tác tuyên truyền, xã đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng NTM chủ yếu dựa vào nội lực là chính. Theo đó, hàng năm, xã tổ chức các hội nghị để thông qua quy hoạch tổng thể xây dựng NTM và các danh mục ưu tiên cắm mốc sau quy hoạch tới toàn Đảng ủy, HĐND, UBND và các phòng, ban, ngành chuyên môn và các bí thư chi bộ, trưởng các thôn. Đồng thời, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về xây dựng NTM tại xã để các thôn có cơ hội đóng góp ý kiến về xây dựng NTM tại địa phương. Nhờ đó, nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt, bà con đã tích cực tham gia vào việc thực hiện các tiêu chí.
Đơn cử như việc Kim Phượng thực hiện tiêu chí giao thông. Được biết, ngoài 7,2km đường liên xã đã được trải nhựa và đưa vào sử dụng từ năm 2011, toàn xã có 10,6km đường liên thôn; trên 7 km đường nội thôn và 7 km đường nội đồng; trên 23km kênh mương. Nếu trước năm 2011, tất cả các tuyến đường, liên thôn, nội thôn đều là đường đất khó đi thì từ khi xã triển khai xây dựng NTM, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Kim Phượng đã bê tông hóa được trên 6km đường liên thôn; kiên cố hóa trên 14km tuyến kênh mương chính và kênh mương nội đồng.
Cụ thể, năm 2012, xã triển khai làm 4 tuyến đường liên thôn với tổng chiều dài 2,5km, trong đó, người dân đối ứng trên 800 triệu đồng, hiến 0,5ha đất, hơn 100m tường xây; năm 2013, xã xây dựng mới 6 tuyến đường tại các thôn Bản Lác 1, Bản Lác 2, Bản Lanh, Bản Mới, Đông Nghè, Nam Cơ với tổng chiểu dài 3,6km và tổng vốn đầu tư trên 6 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, trong đó, nhân dân đối ứng trên 320 triệu đồng, đóng góp bằng ngày công gần 18 triệu đồng và trên 100 triệu đồng tiền hiến đất; xây dựng kè chống lũ Cầu tràn Bản Lác. Đến nay, tất cả các công trình đã được hoàn thiện, nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Bà Lèng Thị Hường, Trưởng thôn Bản Kết chia sẻ: Mọi người đều ý thức được rằng có đường mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế của gia đình, địa phương. Do đó, khi Ban Phát triển nông thôn mới của thôn vận động bà con xây dựng tuyến đường nội thôn, nội đồng thì các hộ trong thôn rất ủng hộ nên việc triển khai thực hiện giải phóng con đường rất thuận lợi, mọi người cùng chung tay, góp sức để tuyến đường của thôn sớm được bê tông hóa… Được biết, tuy xã chưa có chủ trương làm đường bê tông tuyến đường nội thôn của Bản Kết nhưng từ cuối năm 2013 đến nay, thôn đã giải phóng xong mặt bằng của 1km đường nội thôn và hơn 1km đường nội đồng. Những hộ có đất bị ảnh hưởng thì tự nguyện hiến đất vườn, đất ruộng, những hộ còn lại thì góp công, sức, phương tiện để mở rộng đường trong thôn.
Cùng với đó, tiêu chí về thu nhập cũng được Kim Phượng ưu tiên thực hiện. Xã chỉ đạo bà con tích cực đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, thu nhập cao vào sản xuất. Theo đó, trong năm 2013, xã kết hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã mở được 14 lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi lợn, kỹ thuật trồng lúa theo phương pháp mới SRI, kỹ thuật trồng và chăm sóc khoai tây… cho 597 lượt người tham gia.
Đến nay, trên địa bàn xã có 1 trang trại chăn nuôi lợn thịt, 2 gia trại chăn nuôi cá, 1 gia trại chăn nuôi lợn móng sinh sản và 6 gia trại chăn nuôi dê sinh sản phát triển ổn định, mang lại nguồn thu nhập lớn cho các hộ. Nhờ đó, từ năm 2013 đến nay, xã Kim Phượng đã “thoát nghèo” (xã không còn nằm trong chương trình 135 về phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thu nhập bình quân đầu người trong năm đạt trên 11 triệu đồng/người/năm (tăng 3 triệu đồng/người/năm so với năm 2011).
Nhờ có những định hướng đúng đắn, tích cực, với xuất phát điểm là 5 tiêu chí (2011), sau hơn 2 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay xã Kim Phượng hoàn thành 10/19 tiêu chí, bộ mặt nông thôn tại đây đã có những đổi thay đáng kể. So với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 30,8% xuống còn 22,81% (2013); 100% số hộ được sử dụng điện lưới, phương tiện nghe, nhìn; 100% đường liên xã được trải nhựa; 3/3 trường học và Trạm Y tế trên địa bàn xã đã đạt chuẩn Quốc gia; 75% thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 70%; công tác giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội của địa phương được ổn định, giữ vững không có những vụ việc nghiêm trọng và điểm nóng xảy ra...
Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phượng Sằm Văn Bách bày tỏ: Hiện tại, xã còn 9 tiêu chí chưa đạt là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, quy hoạch xây dựng chợ nông thôn, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, môi trường. Trong thời gian tới, Ban Quản lý Xây dựng NTM của xã Kim Phượng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực từ nhân dân và tranh thủ các nguồn đầu tư khác, đồng thời tổ chức phân kỳ cụ thể việc thực hiện các tiêu còn lại theo từng năm, phấn đấu từ nay đến trước năm 2020 xã hoàn thành xây dựng NTM.