Xác định kiên cố hoá kênh mương nội đồng là một chủ trương quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Những năm gần đây, hệ thống kênh mương nội đồng ở 143 xã nông thôn của Thái Nguyên đã được quan tâm đầu tư xây dựng. Riêng trong năm 2013, toàn tỉnh đã kiên cố hóa, cải tạo và nâng cấp được 68,5km kênh mương, trong đó xây mới 62 công trình với tổng chiều dài trên 36km, kinh phí hơn 20 tỷ đồng…
Ông Hoàng Cường Quốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới (XDNTM tỉnh) cho biết: Điều đáng nói là người dân đã rất tích cực tham gia đóng góp để xây dựng hệ thống kênh mương. Năm qua, cùng với việc đóng góp số tiền 4,7 tỷ đồng, nông dân trong tỉnh đã hiến 3 nghìn m2 đất đất nông nghiệp đầu bờ để xây dựng kênh mương nội đồng; tổ chức nạo vét kênh mương nội đồng, đảm bảo việc cung cấp và tiêu thoát nước cho diện tích đất nông nghiệp của các địa phương. Đạt được kết quả này, bên cạnh sự chỉ đạo tích cực, kịp thời từ phía lãnh đạo các địa phương, còn phải kể đến sự đóng góp rất lớn của người dân vì họ ý thức được vị trí, vai trò của hệ thống kênh mương nội đồng là rất quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Để kiểm chứng lời khẳng định của ông Hoàng Cường Quốc, chúng tôi đã đi tìm hiểu thực tế tại một số xã nông thôn trong tỉnh. Theo ghi nhận của chúng tôi, khoảng 3 năm trở lại đây, các xã nông thôn đều rất quan tâm tới việc hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Cù Vân (Đại Từ) chia sẻ: Địa phương chúng tôi luôn ưu tiên kinh phí để kiên cố, cải tạo hệ thống kênh mương nội đồng. Từ năm 2011 đến nay, xã đã cải tạo, nâng cấp được 23km kênh mương, trong đó, Nhà nước hỗ trợ trên 400 triệu đồng, người dân đóng bằng ngày công lao động, cát, sỏi… Ngoài ra, từ nguồn vốn tỉnh cấp, xã cũng đã xây mới được 1,3km kênh mương.
Hệ thống kênh mương nội đồng được đầu tư xây mới và nâng cấp đã giúp cho việc điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất của người dân luôn được thuận lợi. Bà Lê Thị Tình, ở xóm 10, xã Cù Vân cho hay: Từ ngày hệ thống kênh mương nội đồng ở xã được đầu tư nâng cấp, nguồn nước phục vụ gieo cấy, chăm sóc lúa, cây màu luôn dồi dào, cây trồng phát triển tốt, nông dân chúng tôi không còn lo bị lãng phí, thất thoát nguồn nước. Tương tự như Cù Vân, 3 năm trở lại đây, xã Đồng Liên (Phú Bình) cũng rất quan tâm xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng. Ông Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đến nay, xã đã kiên cố được 10,5km trong tổng số 19,6km kênh mương của xã. Hệ thống kênh mương này đã phục vụ tưới tiêu cho 200ha lúa và 200ha cây màu của địa phương...
Có thể thấy, hệ thống kênh mương nội đồng đã được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, song một thực tế là hiện nay, địa hình cánh đồng ở các xã rất phức tạp, phân tán, gây nhiều khó khăn cho việc triển khai xây dựng các công trình thủy lợi; nguồn lực tài chính ở hầu hết các địa phương còn rất hạn hẹp, trong khi đó đến nay, hệ thống kênh mương nội đồng của các xã nông thôn bình quân mới chỉ hoàn thiện được khoảng 40-50%/xã.
Bởi vậy, để dần hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng ở các xã nông thôn, về phía tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương. Cụ thể là hỗ trợ xi măng theo Phương án cho vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn trái phiều chính phủ cho các địa phương. Riêng trong năm 2014, từ nguồn vốn này, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí cho một số địa phương xây dựng kênh mương nội đồng. Trong đó, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) được hỗ trợ 840 triệu đồng xây mới gần 3km kênh mương; xã Phượng Tiến (Định Hóa) được hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng để kiên cố 5,6km; xã Đồng Thịnh (Định Hóa) được hỗ trợ gần 420 triệu đồng kiên cố 1,2km kênh mương; xã Phú Thượng (Võ Nhai) được hỗ trợ 800 triệu đồng kiên cố xấp xỉ 2,5km kênh mương; xã Vinh Sơn (T.X Sông Công) được hỗ trợ trên 930 triệu đồng để xây dựng 5,2km kênh mương; xã Bá Xuyên (T.X Sông Công) được hỗ trợ hơn 990 triệu đồng kiên cố 5,5km kênh mương…
Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh thì chính quyền các xã cũng cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến việc hoàn thiện hệ thống kênh mương theo nhiều hình thức như: Ưu tiên một phần kinh phí của địa phương để tiếp tục đầu tư xây dựng mới hệ thống kênh mương nội đồng; cải tạo, nạo vét số chiều dài kênh tiêu thoát còn lại của địa phương mình. Đồng thời, chỉ đạo sát sao các thôn, xóm trong xã mình chủ động xây dựng kế hoạch khảo sát, tiến hành vận động nhân dân khơi thông hệ thống mương tiêu của từng thôn, xóm và các mương nhánh, phục vụ cho tưới tiêu; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, duy tu các công trình thủy lợi trên địa bàn xã. Về phía người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc góp công sức, tiền của cùng Nhà nước xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng…