Quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn kể từ ngày 18-3 đã giảm từ 7% xuống 6%/năm, nhưng theo đồng chí Lê Quang Huy, Giám đốc NHNN Chi nhánh Thái Nguyên, lượng tiền gửi tại các ngân hàng trên địa bàn cơ bản vẫn ổn định và nhiều ngân hàng đã có thêm điều kiện để giảm lãi suất cho vay ở một số kỳ hạn...
Trong lần điều chỉnh lãi suất này, NHNN quy định, tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2% xuống 1%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng của tổ chức và cá nhân tại các tổ chức tín dụng là 6%; riêng Quỹ Tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 7,5%/năm xuống 6,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, NHNN cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Lãi suất huy động ngoại tệ USD cũng giảm xuống mức 1%/năm, thay vì mức 1,25%/năm. Song song với việc cắt giảm lãi suất huy động, những khách hàng được các tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh thì lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng (VND) để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa cũng được NHNN điều chỉnh giảm từ 9% xuống 8%/năm…
Đây là lần giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 6-2013 và theo các chuyên gia tài chính, bước giảm 1%/năm ở trần lãi suất huy động VND là khá mạnh, nhưng phù hợp với diễn biến trên thị trường hiện nay, khi mà lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đảm bảo và hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo đồng chí Lê Quang Huy, việc hạ trần lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn hầu như không có tác động nhiều đến việc huy động tiền gửi khu dân cư của toàn hệ thống (mặc dù có thể có những ngân hàng giảm, nhưng lại có những ngân hàng tăng, đây là điều hết sức bình thường), bởi hiện đây vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả hơn cả. Còn đối với dư nợ tín dụng những ngày này cũng chưa có sự thay đổi nhiều, bởi thời gian điều chỉnh của chính sách chưa dài, tuy nhiên, theo dự báo, từ đầu quý II năm 2014 trở đi, khi tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN hoạt động ổn định trở lại sau dịp Tết, cộng với mức lãi suất cho vay của các ngân hàng ngày càng hấp dẫn, thì nhu cầu về vốn của các DN sẽ tăng cao. Điều này phần nào được minh chứng qua con số, dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh ước tăng 1% so với cuối năm 2013, trong khi 2 tháng đầu năm tăng 0,82%; nguồn vốn huy động ước tăng 2,6% (2 tháng đầu năm tăng 0,84%). Đối với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, hiện các ngân hàng trên địa bàn đang huy động ở mức từ 6% đến dưới 7,5%/năm, giảm khoảng 1%/năm so với trước.
Tìm hiểu thực tế tại một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được đồng chí Lã Hùng Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên cho biết, việc hạ trần lãi suất huy động đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc huy động vốn của đơn vị, nhưng không đáng kể; còn dư nợ tín dụng thì đang có dấu hiệu tăng dần, do hoạt động của các DN dần ổn định sau Tết chứ không phải do một số kỳ hạn, lĩnh vực được hạ lãi suất vay. Hiện, ngoài mức cho vay với lãi suất ưu đãi theo quy định của NHNN, thì Agribank cũng đã giảm thêm cho khách hàng vay thông thường có tín nhiệm cao là 0,5%/năm ở kỳ trung và dài hạn. Tương tự, Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã giảm thêm lãi suất cho vay thông thường ở kỳ 3-5 tháng từ 0,5-1,5%/năm.
Theo đồng chí Hà Mậu Quý, Giám đốc BIDV Chi nhánh Thái Nguyên, trên thực tế, trước khi có quy định về trần lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn của NHNN thì lãi suất huy động ở mọi kỳ hạn của BIDV cũng đã tiệm cận với mức lãi suất hiện nay, do đó, việc huy động vốn của BIDV Chi nhánh Thái Nguyên những ngày qua thậm chí còn có xu tăng hơn, còn dư nợ tín dụng thì vẫn duy trì ở mức ổn định và khá cao so với mặt bằng chung của tỉnh (tính đến ngày 26-3, tăng 8,5% so với cuối năm 2013). Dự đoán, trong thời gian tới, việc huy động nguồn vốn cũng như doanh số cho vay của các ngân hàng sẽ tăng cao, cùng với đó là nhiều DN trả nợ trước hạn để được vay với lãi suất ưu đãi hơn.
Trước thông tin lãi suất tiền vay ở 5 lĩnh vực ưu tiên cũng như một số khoản vay thông thường ở nhiều ngân hàng tiếp tục có sự điều chỉnh giảm, các DN và người đi vay đều thấy rất vui, bởi như vậy sẽ giúp họ giảm đi phần nào áp lực về lãi suất vay, để có điều kiện hơn trong sản xuất, kinh doanh; còn đối với các tổ chức tín dụng cũng có thêm cơ hội để tăng doanh số cho vay mà hiện đang ở mức rất khiêm tốn, thậm chí là âm. Anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên tính nhanh: Với việc được hạ thêm 1% lãi suất tiền vay/năm, mỗi năm, trang trại của tôi sẽ lợi thêm ít nhất 60 triệu đồng, vì lâu nay tôi đang duy trì vay ngân hàng trên dưới 6 tỷ đồng.
Hiện toàn tỉnh có 3.164 DN vay vốn với ngân hàng, với dư nợ là 13.856 tỷ đồng, bởi thế số DN sẽ được hưởng lợi từ đợt giảm lãi suất cho vay này khá lớn. Hy vọng, với những chính sách ngày càng ưu đãi của NHNN sẽ tiếp tục tạo cho DN và người vay có thêm điều kiện để sản xuất, kinh doanh và cũng giúp cho hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt hiệu quả cao hơn. Còn đối với người dân, mặc dù trần huy động lãi suất ở các kỳ hạn ngắn giảm nhưng theo các chuyên gia tài chính thì gửi tiền tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư hiệu quả và vẫn nên gửi ở các kỳ hạn ngắn, từ 3-6 tháng.