Làm giàu cho quê hương

07:54, 26/03/2014

Trong khi nhiều thanh niên nông thôn đang tìm cách đi làm ăn xa hoặc đến các nhà máy, khu công nghiệp làm việc thì ở huyện Phú Bình vẫn có không ít bạn trẻ quyết tâm ở lại quê hương, tìm lối đi riêng để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Tốt nghiệp Trường Trung học kỹ thuật và nghiệp vụ Hà Nội, anh Hoàng Văn Giang (sinh năm 1987) ở xóm Mảng, xã Lương Phú đã có 2 năm đi làm thuê cho một công ty tư nhân trước khi mở xưởng gia công cơ khí tại địa phương. Anh cho biết: Dù đã có thu nhập khá nhưng là con trai trưởng trong nhà, tôi muốn tìm một công việc ổn định và ở gần gia đình để tiện chăm sóc bố mẹ già. Năm 2005, tôi mở xưởng sản xuất cơ khí tại xóm. Được biết, thời điểm này, trên địa bàn đã có nhiều xưởng sản xuất cơ khí nhưng chủ yếu là gia công sắt. Do đó, anh Giang đã tìm hiểu nhu cầu thị trường và đầu tư gia công nhôm kính, mái tôn và inox, các sản phẩm lúc đó còn rất ít ở Phú Bình. Sẵn kỹ thuật đã học lại thêm sức trẻ, anh không ngừng học hỏi và đưa vào sản xuất những mẫu mã mới, bền đẹp nên xưởng cơ khí của anh ngày càng được nhiều người biết đến và đặt hàng. Hiện nay, từ xưởng gia công cơ khí của mình, anh Giang đang thu lãi trên 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 4 lao động cố định với bình quân thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

 

Cũng lập nghiệp trên chính mảnh đất nơi mình sinh ra nhưng anh Đặng Văn Phượng (sinh năm 1985), ở xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh lại chọn một hướng đi khác. Sinh ra trong một gia đình có nghề truyền thống là trồng rừng, sau khi tốt nghiệp THPT và thi đỗ Đại học nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Phượng đã ở lại địa phương tìm hướng phát triển kinh tế. Với lợi thế đất rộng của gia đình, anh đầu tư và mua thêm đất để trồng rừng keo và bạch đàn. Anh bảo: Nếu trồng rừng và thu hàng loạt thì sẽ khó xoay vòng vốn, vì vậy, tôi đã trồng rừng theo hình thức trồng luân phiên và thu hoạch dần các diện tích, như vậy, cứ cách 2 - 3 năm gia đình tôi lại có nguồn thu từ rừng. Hiện nay, anh đang làm chủ diện tích hơn 20ha trồng keo, bạch đàn và chỉ riêng năm 2011, anh đã thu được 570 triệu đồng từ khai thác gỗ rừng. Bên cạnh trồng rừng, anh Phượng còn kinh doanh vận tải, vật liệu xây dựng cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng (năm 2013). Và mới đây, anh còn đầu tư xưởng sản xuất gỗ bóc tại địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, mô hình kinh doanh của anh Phượng còn góp phần tạo việc làm cho 3-5 lao động cố định với thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng và trên 10 lao động thời vụ với thu nhập 150 nghìn đồng/người/ngày.

 

Được biết, huyện Phú Bình hiện có trên 28.000 đoàn viên, thanh niên  (chiếm gần 20% dân số của huyện). Và theo số liệu thống kê từ Đoàn thanh niên huyện Phú Bình, trên địa bàn huyện có trên 100 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ thuộc đủ các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, nhiều mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập trung bình từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

 

Đồng chí Vũ Cao Cường, Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Bình cho biết: Trong những năm qua, thông qua Cuộc vận động “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” và phong trào “Đồng hành cùng thanh niên trong phát triển kinh tế”, Huyện Đoàn đã phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia hỗ trợ thanh niên về học tập, nâng cao trình độ, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm. Đặc biệt, Huyện đoàn đã hỗ trợ để thanh niên được vay vốn từ nguồn vốn 120 (Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm) của TW Đoàn TNCS. Nguồn vốn này đã giúp nhiều thanh niên có điều kiện mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc để phát triển kinh tế. Sắp tới, Huyện đoàn cũng sẽ phối hợp với các chi đoàn thanh niên của 21 xã, thị trấn trên địa bàn thành lập các Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế giỏi để các thanh niên địa phương giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ lẫn nhau về vốn, kỹ thuật… để thanh niên yên tâm lập nghiệp tại quê hương.

 

Dám nghĩ, dám làm, nhiều thanh niên ở Phú Bình đã vươn lên phát triển kinh tế từ chính làng quê nơi mình sinh ra. Những mô hình kinh tế thanh niên ở đây không chỉ góp phần làm giàu cho quê hương, tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương mà còn góp phần cổ vũ phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp tại quê hương”.