(TN) - Thống kê mới nhất của Chính phủ cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong những tháng đầu năm nay tăng nhẹ, thậm chỉ giảm khá mạnh trong tháng 3. Tinh chung trong 3 tháng đầu năm 2014, lạm phát chỉ ở mức 0,8%, một mức thấp nhất trong mấy năm qua. Đây được coi là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, trong đó giá cả được kiểm soát, đời sống của người ăn lương bớt khó khăn hơn.
Tuy nhiên việc chỉ số CPI giảm cũng cho thấy sức mua của người dân có xu thế yếu đi, đồng tiền chưa được khơi thông để thúc đẩy sản xuất, nhất là các loại hàng hoá tiêu dùng. Đây cũng còn phản ánh do kinh tế khó khăn, người dân đã rất tiết kiệm trong chi tiêu.
Bên cạnh sức mua yếu, các yếu tố ảnh hưởng không tốt đến khả năng phục hồi nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Dư nợ tín dụng còn ở mức cao so với cùng kỳ(1,66%); tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng đều thấp hơn so với cùng kỳ, cho thấy việc khơi thông dòng vốn tín dụng cho sản xuất còn hạn chế, chưa được cải thiện, vốn trong các ngân hàng còn ứ đọng, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu vốn hoạt động. Những ách tắc này do nhiều nguyên nhân chưa được tìm hiểu tháo gỡ, vì vậy nền kinh tế không được các dòng vốn ngân hàng đầu tư sẽ khó có khả năng hồi phục nhanh, bền vững. Vậy nên làm sao khơi thông được các dòng vốn đến với sản xuất, tất nhiên là vốn phải đến được những địa chỉ cần đến và phát huy hiệu quả đầu tư là vấn đề cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, tạo điều kiện để thúc đẩy sức mua của nhân dân.
Một thống kế nữa cũng rất đáng quan tâm đó là trong những tháng đầu năm dù số doanh nghiệp thành lập mới có tăng, nhưng số doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động cũng khá lớn. Chỉ tính riêng đến hết tháng 2 năm nay mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố thì cả nước có khoảng 10.900 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký trên 62.900 tỷ đồng, tăng 13,1% về số doanh nghiệp và tăng 28,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013, nhưng vẫn có 13.100 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2013. Các con số trên cho thấy tình hình sản xuất, sức sống của các doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2014 vẫn còn rất nhiều khó khăn và thực chất chưa thoát ra được khủng hoảng. Số các doanh nghiệp thành lập mới không thể bù đắp được số các doanh nghiệp phải giả thể và ngừng hoạt động. Doanh nghiệp yếu, chưa hồi phục thì nền kinh tế sẽ rất khó khăn.
Tình hình trên cho thấy bên cạnh những tín hiệu tốt cho nền kinh tế mà những giải pháp tích cực do sự điều hành của Chính phủ như chính sách tài chính, hạn chế lạm phát, an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế nợ công… thì việc nhận rõ và hạn chế những yếu tố gây cản trở phục hồi kinh tế là rất cần thiết để sản xuất phát triển, tăng xuất khẩu, đẩy mạnh sức mua, tiêu dùng nội địa làm lành mạnh nền kinh tế của từng địa phương và đất nước.