Quản lý thuốc bảo vệ thực vật đang gặp khó

08:01, 26/03/2014

Tình trạng nhiều hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng quy định, không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn đang diễn ra khá phổ biến ở các địa phương vừa gây tốn kém, hiệu quả phòng trừ thấp, vừa gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn.

Dùng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh, dịch hại cho cây trồng theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời điểm) là biện pháp hữu hiệu tránh thiệt hại, lãng phí, bảo đảm năng suất và hiệu quả trong trồng trọt. Tuy nhiên, nhiều nông dân trong tỉnh đang lạm dụng thuốc BVTV. Qua kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV trên cây rau của 100 hộ dân, lực lượng Thanh tra của Chi cục Bảo vệ thực vật đã phát hiện 36 trường hợp vi phạm với các lỗi chủ yếu như sử dụng thuốc BVTV không đúng nồng độ, liều lượng; không đúng thuốc; không đúng cách, đúng lúc; không đảm bảo thời gian cách ly

 

Bà Triệu Thị Ngọc, một người dân ở xóm Quyết Tiến 1, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) cho hay: Gia đình tôi có 5 sào ruộng cấy lúa. Mỗi khi thấy hàng xóm phun thuốc BVTV cho lúa là tôi cũng phun cùng thời điểm. Cùng nằm tập trung ở một cánh đồng nên tôi nghĩ các thửa ruộng đều bị nhiễm chung một loại sâu bệnh. Do đó, tôi sử dụng loại thuốc BVTV giống như nhà hàng xóm để phun cho lúa. Liều lượng cũng tùy thuộc vào mức độ nhiễm bệnh của lúa nặng hay nhẹ mà pha đặc hay loảng.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại các địa phương trong tỉnh thì số người sử dụng thuốc BVTV không đúng cách như bà Ngọc chiếm khá đông. Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết: Nhiều nông dân đang phụ thuộc vào sự chỉ dẫn của người bán thuốc BVTV. Qua phỏng vấn của chúng tôi, có tới trên 80% số người mua thuốc BVTV về phun cho cây trồng theo tư vấn của người bán thuốc, gần 20% số người mua thuốc qua tham khảo và tự mình quyết định. Đặc biệt, khi mua thuốc BVTV, người dân chưa quan tâm đến độ độc hại và thời gian cách ly. Thâm chí, có nhiều người còn phun thuốc tăng liều lượng do thói quen hỗn hợp thuốc hoặc sử dụng không đúng một số loại thuốc… Một thực tế là phun thuốc không đúng cách sẽ khiến chi phí tăng 1,5 đến hơn 2 lần. Nguy hại hơn là tận diệt hết các thiên địch (ong mắt đỏ, nhện…) tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các loại thủy sinh, đến sức khỏe con người và cả sản phẩm nông nghiệp.

 

Điều đáng nói là khi phát hiện các trường hợp không tuân thủ “4 đúng” khi sử dụng thuốc BVTV, hình thức xử lý của lực lượng chức năng chủ yếu vẫn là nhắc nhở và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc cho đúng nguyên tắc. Lý giải về nguyên nhân nông dân chưa tuân thủ đúng hướng dẫn của lực lượng BVTV, ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho rằng: Một phần do trình độ hiểu biết của bà con còn hạn chế, một phần do ý thức của những người kinh doanh thuốc BVTV. Đặc biệt, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn.

 

Theo thống kê của Chi cục BVTV, năm 2013, toàn tỉnh có 850 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV. Trong đó, các quy định về việc niêm yết các loại thuốc bán, niêm yết giá từng loại thuốc, hướng dẫn cách pha chế, liều lượng… đã bị không ít đại lý thường xuyên bỏ qua… Thậm chí có cửa hàng còn bán cả những loại thuốc trong diện cấm lưu hành hoặc vì lợi nhuận, hướng dẫn người dân phun kèm nhiều loại thuốc khác nhau để bán được nhiều thuốc… 3 tháng đầu năm, lực lượng Thanh tra của Chi cục đã tiến hành thanh, kiểm tra 20 cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc BVTV. Qua đó đã phát hiện 7 cửa hàng, đại lý vi phạm các lỗi như kinh doanh thuốc BVTV có nhãn không đúng với đăng ký; buôn bán thuốc không có chứng chỉ hành nghề, không có cửa hàng và kho chứa thuốc. Chi cục đã xử lý hành chính các đối tượng vi phạm với số tiền trên 9 triệu đồng. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng (chỉ có 4 cán bộ chuyên làm công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các điều kiện kinh doanh thuốc BVTV như giá kệ đựng thuốc, phòng chống cháy nổ, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề); địa bàn rộng; các hộ kinh doanh thuốc BVTV nhỏ lẻ, rải rác nên công tác thanh, kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhiều lỗi vi phạm tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc BVTV chưa được phát hiện kịp thời…

 

Trước thực trạng trên, vấn đề đặt ra là phải quản lý chặt chẽ lực lượng kinh doanh thuốc BVTV. Đã đến lúc các cấp, ngành chức năng phải tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành trong các đợt phòng, trừ sâu bệnh tập trung để phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV kịp thời. Đặc biệt là phát huy hiệu lực quản lý nhà nước cấp xã về vấn đề này; quy định cụ thể trách nhiệm của UBND xã, thị trấn, trách nhiệm của ban nông nghiệp xã trong quản lý các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc BVTV; huy động lực lượng trưởng xóm vào cuộc để giám sát và vận động nhân dân phát hiện các vi phạm trong kinh doanh thuốc BVTV. UBND xã, ban nông nghiệp xã cần tổ chức ký cam kết với các chủ cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, yêu cầu thực hiện theo đúng quy định của Chi cục BVTV… Từ đó kiểm tra, giám sát, có biện pháp mạnh, thậm chí là đề nghị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những chủ kinh doanh có sai phạm, tái sai phạm nhiều lần… Theo đó, các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh cũng nên  tập trung cung ứng để bảo đảm chất lượng thuốc BVTV cho nông dân; làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng các loại thuốc BVTV…