Từ cuối năm 2013 đến nay, các khu công nghiệp tập trung của tỉnh đã thu hút được hàng chục dự án, phần lớn là dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều dự án đang được khẩn trương xây dựng nhà xưởng, trong khi “đầu tàu” là Nhà máy Điện tử Samsung Thái Nguyên đã bắt đầu sản xuất.
Những ngày giữa tháng 3, dù thời tiết không thuận lợi khi trời liên tục có mưa nhưng tại Khu Công nghiệp (KCN) Điềm Thụy (thuộc địa bàn 2 huyện Phú Bình và Phổ Yên), hoạt động san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng vẫn diễn ra tấp nập, với tinh thần chạy đua cùng thời gian. Ông Cho Jae Hyeong, đại diện nhà thầu xây dựng hạ tầng sản xuất cho Công ty TNHH Young Jin - Hitech Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) cho biết: “Theo yêu cầu của chủ Dự án, chúng tôi đã huy động tối đa lượng nhân lực và thiết bị cần thiết để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Mới khởi công từ đầu tháng 2-2014 nhưng chúng tôi phấn đấu đến cuối tháng 4 này sẽ hoàn thành các hạng mục theo yêu cầu của hợp đồng. Trong quá trình triển khai, chúng tôi được các cơ quan và chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi”. Được biết, Công ty TNHH Young Jin - Hitech Việt Nam đang đầu tư Dự án sản xuất linh kiện điện tử (một phần cung cấp cho Nhà máy Điện tử Samsung Thái Nguyên) trên diện tích 1,5ha tại khu B - KCN Điềm Thụy, dự kiến đi vào sản xuất từ cuối tháng 4-2014 và thu hút khoảng 1.000 lao động vào làm việc.
Bên khu A của KCN Điềm Thụy (phần diện tích 180ha do Ban quản lý các KCN tỉnh làm chủ đầu tư hạ tầng), hoạt động xây dựng còn diễn ra sôi động hơn. Cả khu vực rộng hàng chục ha trở thành đại công trường, một số nhà xưởng phục vụ sản xuất, văn phòng đang trong giai đoạn hoàn thiện, một số khác trong quá trình xây dựng phần thô hoặc gia công móng. Cùng với đó, các nhà thầu cũng đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hạ tầng KCN (tiếp tục san gạt các khu vực đã được giải phóng mặt bằng, hoàn thiện đường trục chính, hệ thống thoát nước…). Khu A đã mang dáng dấp của một KCN hiện đại. Theo thông tin từ Ban quản lý các KCN tỉnh thì đến hết năm 2013, riêng KCN Điểm Thụy (tổng diện tích quy hoạch 350ha) đã thu hút được 23 dự án FDI (chủ yếu sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho Tổ hợp Samsung Thái Nguyên), với quy mô vốn đăng ký khoảng 300 triệu USD.
Ngoài ra, trong năm 2013 cùng với các dự án thuộc Tổ hợp Samsung tại KCN Yên Bình I đã có 3 dự án FDI (tổng vốn đăng ký 7 triệu USD) được chấp thuận đầu tư vào KCN Sông Công I, 1 dự án sản xuất hàng tiêu dùng và đồ uống, có số vốn đăng ký 414 tỷ đồng đầu tư vào KCN Nam Phổ Yên. Tính cả năm 2013 (chủ yếu là ở giai đoạn cuối năm), các KCN của tỉnh đã thu hút được 28 dự án FDI có tổng vốn đăng ký gần 3,7 tỷ USD và 4 dự án trong nước với số vốn đăng ký 2.239 tỷ đồng. Trên đà đó, tình hình thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả mang tính đột phá trong những tháng đầu năm nay. Cụ thể là Ban quản lý các KCN tỉnh đã vận động, tiếp nhận và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 11 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký mới là 80,1 triệu USD; cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án khác (chủ yếu là bổ sung ngành nghề và tăng vốn). Các dự án sau khi hoàn thiện thủ tục liên quan đều được chủ đầu tư khẩn trương tiến hành xây dựng hạ tầng để sớm đi vào sản xuất.
Kết quả thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh thời gian gần đây rõ ràng là những bước đột phá lớn, chắc chắn sẽ tạo ra “cú hích” đáng kể thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, sớm đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020. Ông Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho rằng, kết quả đã đạt được do nhiều nguyên nhân, trong đó một nguyên nhân quan trọng là hạ tầng giao thông của tỉnh đang ngày càng hoàn thiện, hiện đại nên đã phát huy được những thuận lợi về vị trí địa lý của Thái Nguyên (sát thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc). Bên cạnh đó, việc Tập đoàn Samsung quyết định đầu tư sản xuất lớn tại KCN Yên Bình đã tạo thêm niềm tin tạo ra lực hút các nhà đầu tư khác đến với Thái Nguyên.
Về chủ quan, phải nói rằng tỉnh ta đã có những nỗ lực bền bỉ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, từ triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đến chú trọng cải cách hành chính. Riêng Ban quản lý các KCN tỉnh đã có những đổi mới đáng kể trong hoạt động xúc tiến đầu tư, tích cực cải cách hành chính theo hướng đơn giản, chính xác và nhanh gọn (có thủ tục được rút ngắn thời gian giải quyết xuống còn 1/5, thậm chí 1/10 thời gian quy định). Cùng với đó, thời gian gần đây, các ban, ngành và địa phương liên quan đã quan tâm thích đáng đến hoạt động thu hút đầu tư, điển hình là tích cực giải phóng mặt bằng, phối hợp giải quyết những vướng mắc phát sinh…
Mới đây trong đợt khảo sát thực địa lần 2 trước khi đầu tư vào KCN Điềm Thụy, ông Lê Minh Giang đến từ Hà Nội chia sẻ với chúng tôi: Ngay lần đầu tiên đến khảo sát, tôi đã quyết định sẽ đầu tư vào đây. KCN Điềm Thụy có vị trí tốt, trong khi công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đang phát triển mạnh, môi trường đầu tư thuận lợi, cởi mở. Tôi cũng như nhiều nhà đầu tư khác đang nhìn thấy rất nhiều triển vọng phát triển.