Bước chuyển ở Cao Lầm

08:58, 15/04/2014

Nằm dưới chân dãy núi Bắc Sơn, những ngày này xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng (Võ Nhai) mơn mởn màu xanh của ngô, lúa. Tín hiệu của sự trù phù, no đủ đã xóa nhòa dấu vết của cái đói trong mùa giáp hạt vốn đeo bám nhiều gia đình nơi đây hơn 10 năm về trước.

Đến Cao Lầm hôm nay, chúng tôi khó có thể hình dung những năm 2000 trở về trước gần một nửa số hộ dân trong xóm thiếu đói triền miên. Khi đó, bà con nơi đây chỉ độc canh cây lúa, với phương thức sản xuất, lạc hậu. Ông Hoàng Văn Trường, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận xóm kể lại: Làm đất trồng cấy khi ấy chỉ có cuốc hoặc cày bằng trâu, lúa gặt về đập bằng tay là chính, nhìn đâu cũng chỉ thấy nhà tranh, mái lụp xụp. Đường làng nhỏ đến 2 cái xe đạp tránh nhau còn khó.

 

Rồi ông cười thật tươi: “Ấy thế mà nhờ thực hiện nghị quyết của đại hội đảng bộ các cấp và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư”, giờ diện mạo xóm tôi như được lột xác hoàn toàn”. Thế độc canh cây lúa ở Cao Lầm đã được phá vỡ, nhiều giống cây trồng mới được đưa vào sản xuất. Toàn xóm hiện có hơn 60ha đất cấy 2 vụ, người dân đã đưa cây lúa lai vào gieo cấy. Từ vụ xuân năm 2013 đến nay, xóm đã thực hiện thí điểm cánh đồng 1 giống trên diện tích gần 10ha theo phương pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI). Năng suất bình quân đạt 2 tạ/sào, cao hơn so với phương pháp cấy truyền thống từ 30-40kg/sào.

 

Từ năm 2009, thay vì chỉ trồng chè phục vụ nhu cầu của gia đình, hơn 20% số hộ dân trong xóm đã trồng thay thế bằng các giống chè cành. Đến nay trong xóm đã phát triển được 4ha chè, năng suất mỗi năm đạt khoảng 80 tạ búp tươi/ha. Ngoài ra, người dân trong xóm còn trồng thêm nhiều loại cây rau màu khác như ngô, cà chua, ớt góp phần nâng cao thu nhập… Trong đó, cây ớt đang được nhiều người lựa chọn (với gần 1ha) vì có hiệu quả kinh tế cao. Trong khoảng 3 tháng, ớt cho thu hoạch với thu lãi bình quân 5 triệu đồng/sào. Một trong những thế mạnh nữa cũng được người dân Cao Lầm khai thác là phát triển kinh tế đồi rừng. Với diện tích gần 200ha rừng, đã bắt đầu cho khai thác gỗ, hứa hẹn mang về cho bà con trong xóm một nguồn thu không nhỏ.

 

Chuyển đổi cơ cấu giống, thay thế công cụ sản xuất lạc hậu bằng các loại máy móc chính là yếu tố làm thay đổi căn bản đời sống của người dân Cao Lầm. Xóm với 112 hộ dân nhưng đã có tới hơn 80 chiếc máy cày, 6 máy xay sát, 3 máy tuốt lúa và gặt đập liên hoàn, 1 máy trộn bê tông, 2 xe đầu dọc. Anh Lý Văn Đoàn, một hộ dân mới thoát nghèo trong xóm chia sẻ: Chúng tôi ý thức được hiệu quả của việc đưa máy móc vào sản xuất, nên hầu như nhà nào cũng có một chiếc máy cày.

 

Đặc biệt Cao Lầm là một trong số ít xóm, bản ở huyện vùng cao Võ Nhai đã đổ bê tông toàn bộ đường giao thông. Từ năm 2010 đến nay, người dân trong xóm đã đóng góp đối ứng hàng trăm triệu đồng (cả xóm gần 500 nhân khẩu, đã vận động đóng góp 3 đợt, mỗi đợt trên 300 nghìn đồng/người) để đổ bê tông 2,5km đường trục xóm. Các hộ dân trong xóm đã hiến hơn 1.000m2 đất để làm đường, trong đó hộ bà Hứa Thị Hợp, hộ ông Vương Trọng Huấn hiến hơn 100m2 đất. Ngoài ra, bà con trong xóm còn tự đổ bê tông được 1,7km đường liên gia (đường đi cụm các gia đình) và mở 2,5km đường nội đồng, rộng 2,5m giúp cho các loại máy kéo có thể ra đến tận chân ruộng. Chỉ tay lên chiếc cổng chào còn mới, ông Hoàng Văn Trường tự hào: “Năm vừa rồi, bà con trong xóm đã tự nguyện đóng góp được 65 triệu đồng để xây dựng cổng làng, góp phần làm đẹp thêm bộ mặt của xóm”.

 

Những thay đổi nhanh chóng về diện mạo và đời sống người dân có vai trò quan trọng của Chi bộ Đảng và Ban Công tác mặt trận của xóm. Chi bộ xóm Cao Lầm hiện có 34 đảng viên, duy trì sinh hoạt đều đặn mỗi tháng một lần, để đưa ra những nghị quyết phù hợp. Ban Công tác mặt trận với 19 thành viên được kiện toàn và hoạt động hiệu quả. Đến nay, Cao Lầm chỉ còn 13 hộ nghèo, 100% gia đình đã có nhà kiên cố và phương tiện nghe nhìn. Xóm được đánh giá là có tình hình an ninh trật tự tốt, nhiều năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên…

 

Năm 2009, xóm Cao Lầm được UBND tỉnh tặng Bằng khen đạt tiêu chuẩn làng văn hóa giai đoạn 1989-2009. Mới đây, xóm cũng được Ủy ban MTTQ tỉnh tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.