Con đường của hy vọng

08:03, 08/04/2014

Những ngày này, người dân xã vùng cao Nghinh Tường (Võ Nhai) vô cùng phấn khởi khi tuyến đường Bản Cái - Na Hấu, tuyến đường bê tông đầu tiên của xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ nay, việc giao thông đi lại và trao đổi hàng hóa của người dân sẽ thuận tiện hơn.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông phẳng lì, ngoằn ngoèo ôm quanh những sườn đồi núi đá, ông Hà Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Nghinh Tường cho biết: Tuyến đường Bản Cái - Na Hấu dài 7km chạy từ trung tâm xã Nghinh Tường qua 5 xóm: Bản Cái, Bản Trang, Thâm Thạo, Bản Nhàu và Na Hấu. Trước đây, muốn đi vào các xóm nói trên chỉ có thể đi bộ vì con đường mòn khi đó chỉ rộng khoảng 1m lại gập ghềnh sỏi đá và dốc cao. Đến năm 2004, khi Nhà nước đầu tư cải tạo và mở rộng con đường này thì việc đi lại của người dân đã đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, con đường cũng chỉ đủ cho xe máy, xe đạp đi. Ngày nắng thì bụi bặm, ngày mưa thì lầy lội. Tuyến đường dài 7km nhưng có đến 4 đoạn chạy qua suối. Vào mùa mưa nước suối dâng cao ngập cả đường, người dân chỉ còn cách bơi qua, các phương tiện giao thông thì không thể sang được bên kia bờ... Vì giao thông đi lại khó khăn nên bao đời nay, cuộc sống của người dân 5 xóm gần như tách biệt với bên ngoài, nguồn sống chủ yếu là tự cung tự cấp. Tỷ lệ hộ nghèo ở đây luôn xấp xỉ mức 30-35%.

 

Với lợi thế sẵn có, những năm gần đây, người dân đã tích cực trồng rừng và phát triển kinh tế rừng để nâng cao đời sống. Tổng cộng 5 xóm có khoảng 200ha rừng sản xuất và hơn 10ha chè. Tuy nhiên, do đường sá khó khăn, chi phí vận chuyển cao, lại bị tư thương ép giá nên nguồn thu nhập từ trồng rừng chẳng thể giúp cho người dân nơi đây phát triển được. Trong khi đó, các mặt hàng nhu yếu phẩm, phân bón phục vụ cho sản xuất được tư thương đem đến bán với giá cao khiến cho cuộc sống của người dân càng thêm vất vả.

 

Tháng 4-2013, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tuyến đường Bản Cái - Na Hấu đã được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 39,6 tỷ đồng. Để xây dựng tuyến đường này, người dân 5 xóm đã tự nguyện hiến gần 6.000m2 đất và tài sản trên đất trị giá hàng trăm triệu đồng. Sau hơn 1 năm thi công, cuối tháng 6-2013, tuyến đường bê tông với mặt đường rộng 5,5m , dày 20cm và 4 cây cầu tràn qua suối đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui của người dân nơi đây.

 

Có dịp đến với xã vùng cao Nghinh Tường những ngày này mới thấy hết được niềm vui, phấn khởi của bà con khi có con đường mới. Những nụ cười rạng rỡ, phấn khởi trên bao gương mặt từ trẻ thơ đến các cụ già. Ông Phan Thanh Tề, xóm Na Hấu hồ hởi: “Con đường này trước đây rất nhỏ hẹp và quanh co dốc, nó chỉ là một con đường mòn và đá lởm chởm, gồ ghề. Vì thế, muốn ra ngoài chỉ có đi bộ hoặc bằng ngựa thôi. Nhưng giờ thì khác rồi, đường đã được trải bê tông thẳng tắp và phẳng lì, xe máy, xe ô tô đi lại thuận tiện hơn. Có con đường mới, người dân chúng tôi như được đổi đời. Bà con biết ơn Đảng, ơn Nhà nước nhiều lắm!

 

Cùng với con đường mới, nhiều ngôi nhà mới được mọc lên và nhiều hộ gia đình sắm thêm xe máy để đi lại. Chị Phan Thị Nhân, xóm Thâm Thạo phấn khởi nói: Năm nay, vợ chồng tôi dự định xây dựng lại ngôi nhà. Có con đường mới rồi, ô tô có thể chạy đến tận nơi nên việc vận chuyển vật liệu xây dựng dễ dàng hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, đường sá đi lại thuận lợi, bà con có thể yên tâm đầu tư sản xuất. Các mặt hàng nông, lâm sản của người dân làm ra không lo bị tư thương ép giá như trước…

 

Không chỉ giúp cho việc giao thông đi lại và giao thương hàng hóa được thuận lợi, con đường mới còn giúp học sinh đồng bào dân tộc thiểu số bám lớp, bám trường. Em Triệu Văn Tình, học sinh lớp 9, trường THCS Nghinh Tường tâm sự: Ngày trước, em phải đi bộ gần 6km để đi học. Những hôm trời mưa, chúng em còn phải lội qua sông mới đến được trường, có khi bị trượt ngã ướt hết quần áo, sách vở. Giờ có đường bê tông rồi, bố mẹ mua cho em xe đạp, để tự đi chúng em đến trường đều đặn chứ không nghỉ học như trước nữa.

 

Chia tay mảnh đất vùng cao Nghinh Tường khi trời đã nhá nhem tối, khói bếp tỏa ra từ những ngôi nhà sàn dưới chân núi. Nhìn từ xa xa, tuyến đường Bản Cái - Na Hấu quanh co, uốn lượn như ôm trọn trong nó khát vọng đổi đời của những người dân nghèo nơi đây. Dù hiện tại cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, song tin tưởng rằng, một ngày không xa mảnh đất này sẽ có nhiều đổi thay tích cực.