Cù Vân làm đường bê tông bằng sức dân

09:24, 16/04/2014

Chúng tôi đến xã Cù Vân (Đại Từ) đúng vào hôm trời mưa phùn. Anh Lê Quốc Hội, Bí thư Đảng ủy xã có lời mời: Các chị về đúng hôm  bà con nhân dân xóm 7 đang đổ cấp phối đường giao thông, tôi mời các chị xuống đó động viên bà con.

Thoáng ngạc nhiên vì không hiểu tại sao trời đang mưa mà bà con lại làm đường nhưng không tiện hỏi, chúng tôi đồng ý đi luôn xem sự thể thế nào. Xe đang bon bon trên đoạn đường bê tông phẳng phiu thì đến ngã ba rẽ vào xóm 7, trước mắt chúng tôi là con đường bùn đất lầy thụt, nhão nhoét, nước ngập nửa bánh xe. Chúng tôi phải tấp xe vào lề đường, đi bộ men theo rìa cỏ mới vào được chỗ bà con đang đổ xỉ san lấp mặt đường. Anh Hợi giải thích: Các chị thấy đấy, đường xuống cấp như vậy nếu không làm thì không thể đi lại được. Nên dù trời mưa nhưng bà con vẫn quyết tâm làm, chứ đợi khô ráo thì còn lâu lắm.

 

Thấy chúng tôi đến, bác Mục Thị Sinh dừng tay cuốc trò chuyện: Đường sá có tốt, kinh tế mới phát triển lên được. Giờ đi ra chợ mua thực phẩm về ăn còn ngại thì hỏi ai còn muốn đi đâu, làm gì trên con đường như vậy, khổ nhất là các cháu học sinh, đến được lớp thì quần áo đã bẩn lấm lem hết cả rồi. Xóm tôi vận động mỗi khẩu đóng góp 20 nghìn đồng để mua xỉ, huy động mỗi hộ 1-2 lao động tham gia làm đường.

 

Chị Trương Thị Hiên góp chuyện: Trước mắt, chúng tôi san lấp lấy mặt bằng để đi lại cho đỡ cực, sau đó sẽ đóng góp đối ứng cùng Nhà nước làm đường bê tông trong năm nay. Chứ đường sá lầy lội thế này muốn phát triển cái gì cũng khó. “Đúng như vậy, muốn xóm phát triển là cứ phải đường thông, hè thoáng. Xóm 7 có khoảng 4km đường trục chính và đường nhánh vào các hộ gia đình, đến nay, chúng tôi đã bê tông được hơn 1,3km. Đoạn lầy thụt này là gần 500m, chúng tôi có kế hoạch sẽ bê tông trong năm nay. Những đoạn còn lại còn lại sẽ tiếp tục vận động nhân dân đóng góp tiền, công sức, đoạn nào cần nắn thẳng, mở rộng thì vận động bà con hiến đất…” - Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng xóm 7 tiếp lời.

 

Đến xóm 7, được chứng kiến cảnh người dân nhiệt tình, hăng hái làm đường, được lắng nghe họ bày tỏ quan điểm như vậy, chúng tôi hiểu công tác tuyên truyền về làm đường giao thông nông thôn ở xã Cù Vân đã được triển khai rất tốt. Nhờ đó, ở các xóm 3, xóm 6… tỷ lệ đường được bê tông đã đạt tới 80%. Đối với một xã thuần nông như Cù Vân, khi đời sống đại đa số người dân vẫn chủ yếu trông vào cây lúa, cây chè thì việc mỗi khẩu đóng góp nhiều nhất tới 1 triệu đồng và ít nhất là 300 nghìn đồng để làm đường bê tông là một sự cố gắng rất lớn. Các tuyến đường bê tông ở xã Cù Vân đều được làm theo tiểu chuẩn nông thôn mới với bề rộng từ 2,5-3m, độ dày 18cm, hai bên đường có rãnh thoát nước.

 

Tính đến nay, toàn xã Cù Vân đã có hơn 500 hộ hiến đất và tài sản trên đất để làm đường bê tông, trị giá hàng tỷ đồng. Nhờ có sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận trong nhân dân nên chỉ tính riêng trong 2 năm (2012-2013), xã Cù Vân bê tông hóa được 13km đường giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ đường đã được bê tông của toàn xã lên 50%; năm 2014, xã có kế hoạch làm tiếp 5km…

 

Anh Lê Quốc Hội chia sẻ: Thực ra, bây giờ chúng tôi không cần vận động bà con cũng tự đăng ký làm đường giao thông, bởi vì người dân đã quá thấu hiểu nỗi khổ khi phải đi lại trên những con đường lầy lội về mùa mưa, bụi bặm về mùa khô; người dân đã nhận thức được mình là người đóng góp tiền bạc nhưng cũng là người trực tiếp hưởng lợi từ những công trình đó nên dù đóng góp ít hay nhiều, thậm chí có gia đình phải đi vay mượn mới đủ tiền đối ứng nhưng người dân vẫn hào hứng và vui vẻ. Điều quan trọng là mọi việc làm đều phải được thực hiện theo đúng quy chế dân chủ, dân được biết, được làm, được bàn và kiểm tra, công khai, minh bạch trong các khoản thu - chi tài chính… Khi người dân đã tin tưởng, ủng hộ thì làm việc gì cũng thuận lợi.

 

Trên đường về, tôi chợt nhớ tới câu chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã Cù Vân cũng như một số người dân khoảng 7-8 năm về trước. Khi đó, đường vào các xóm của Cù Vân chủ yếu là đường đất, song thay vì sự chủ động, hào hứng làm đường như hiện nay thì phần lớn người dân chỉ biết than thở, mong chờ Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, đầu tư làm đường… Nay sự ỷ lại, trông chờ đó của người dân đã thay thế bằng tính chủ động, tích cực, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của cả cộng đồng - Điều đó thật đáng ghi nhận và ngợi khen!