Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Người cho rằng, nông nghiệp phải là mặt trận hàng đầu, muốn phát triển đất nước phải coi trọng cả nông nghiệp và công nghiệp. Ghi nhớ lời dạy của Bác, ngành Nông nghiệp đã chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Một trong những phong trào gắn với việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ của ngành Nông nghiệp trong những năm gần đây là phong trào xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Ông Hoàng Cường Quốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh cho biết: Bác Hồ đã từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, do đó để phong trào được triển khai hiệu quả ở cơ sở, chúng tôi đã phối hợp các cấp, ngành chức năng vận động người dân tham gia bằng nhiều hình thức như hiến đất, đóng góp đối ứng cùng Nhà nước cứng hóa các tuyến đường giao thông; để người dân lựa chọn, quyết định các tuyến đường cần làm; tham gia vào việc lập dự toán; quyết định mức đóng góp vật liệu, ngày công và trực tiếp thi công giám sát nên chất lượng công trình đảm bảo, chi phí thực tế thấp… Nhờ vậy, riêng trong năm 2013, chúng tôi đã vận động nhân dân hiến được trên 40ha đất; đóng góp đối ứng số tiền hơn 135 tỷ đồng cùng Nhà nước cứng hóa 277km đường giao thông nông thôn…
Ngoài ra, phong trào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nông thôn cũng đã được ngành Nông nghiệp thực hiện gắn với việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với mục tiêu luôn coi trọng phát triển nông nghiệp theo lời dạy của Bác, những năm qua, hưởng ứng phong trào này, ngành đã tích cực đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp thông qua việc triển khai các mô hình, dự án sản xuất sản phẩm hàng hóa tập trung như cánh đồng một giống; nuôi cá nước lạnh; sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại…
Trong năm 2013, ngành đã triển khai 82 mô hình, dự án, trong đó 46 mô hình, dự án trồng trọt; 32 mô hình, dự án chăn nuôi… Đặc biệt, mô hình cánh đồng một giống kết hợp với biện pháp canh tác lúa cải tiến SRI đã được người dân đón nhận nhiệt tình. Bước đầu, mô hình này chỉ được triển khai tại các xã: Phú Thượng (Võ Nhai); Bản Ngoại, Cù Vân (Đại Từ); Động Đạt, Phấn Mễ, Cổ Lũng (Phú Lương), nhưng đến vụ xuân năm nay đã phát triển ra các địa phương khác trong tỉnh, nhất là ở các xã Lương Phú, Xuân Phương (Phú Bình)...
Ông Hoàng Văn Loan, một người dân ở xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng (Phú Lương) cho hay: Thực hiện mô hình cách đồng một giống, chúng tôi không chỉ tiết kiệm được chi phí đầu tư mà năng suất lúa còn cao hơn trước 5 tạ/ha. Thực hiện phong trào này, ngành luôn quan tâm tới việc nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Trong lĩnh vực trồng trọt, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương vận động người dân đưa các giống lúa, ngô lai năng suất cao, chất lượng tốt vào gieo trồng. Từ việc tham mưu với UBND tỉnh hỗ trợ giá giống lúa lai 30 nghìn đồng/sào, ngô lai 20 nghìn đồng/sào, đến nay, diện tích lúa lai của tỉnh đã chiếm 15-17% trong tổng số gần 70 nghìn ha cấy lúa cả năm, tăng khoảng 10% so với 5 năm trước; diện tích ngô lai chiếm 95-98% trong tổng số gần 20 nghìn ha trồng ngô cả năm, tăng từ 40-60% so với 5 năm trước...
Đối với cây chè, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh việc vận động người dân trồng mới, trồng lại bằng các giống chè cành năng suất, chất lượng. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm toàn tỉnh trồng mới, trồng lại được trên 1.000ha chè giống mới như Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, LDP1… Chỉ tính riêng năm 2013, tỉnh ta trồng mới, trồng lại được trên 1.500ha chè. Trong chăn nuôi, ngành khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại nên đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có trên 600 trang trại duy trì ổn định đàn vật nuôi với trên 100 nghìn con trâu, bò; gần 600 nghìn con lợn và trên 8 triệu con gia cầm…
Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chia sẻ: Ngoài 2 phòng trào nêu trên thì ngành còn gắn việc học tập, làm theo Bác với các phong trào như “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Lao động giỏi, sáng tạo, tiết kiệm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”… và đã được cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng ứng nhiệt tình.
Từ việc gắn các phong trào thi đua với việc học tập, làm theo Bác, ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Sản lượng lương thực năm sau luôn cao hơn năm trước, trong đó năm 2013 đạt trên 450 nghìn tấn, tăng gần 10% so với kế hoạch; sản lượng của gần 19 nghìn ha chè đạt trên 190 nghìn tấn chè búp tươi, tăng 3,2% so với năm 2012; sản lượng thịt hơi các loại đạt 91 nghìn tấn, tăng hơn 9% so với năm trước; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 6%... Với những kết quả đã đạt được, từ năm 2010 đến nay, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên liên tục được Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc, trong đó, năm 2010 và 2013 được nhận Cờ thi đua xuất sắc; năm 2011, 2012 được nhận Bằng khen…