Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) có vị trí đặc biệt trong quá trình quản lý đất đai của Nhà nước, xác lập mối quan hệ pháp lý về quyền sử dụng đất giữa Nhà nước và người sử dụng đất. Không những đảm bảo sự thống nhất về quản lý mà còn đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng, giúp người sử dụng đất yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình sử dụng đất đai rất phức tạp, nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng, đất đai trở nên khan hiếm và giá trị hơn, bên cạnh đó hàng loạt các vụ tranh chấp về đất đai diễn ra, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, tăng cường công tác quản lý đất đai là hết sức cần thiết, đặc biệt là việc cấp GCNQSDĐ cho các tổ chức và công dân.
Ở Thái Nguyên, trong những năm qua, mặc dù các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, song kết quả cấp GCNQSDĐ vẫn đạt thấp (bằng 74,37% diện tích cần cấp) và còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là việc cấp GCNQSDĐ cho các nông, lâm trường và Ban quản lý rừng đạt thấp, quản lý chưa hiệu quả, tranh chấp giữa các hộ dân trong vùng với các nông, lâm trường, Ban quản lý rừng diễn ra phổ biến...
Qua kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy hầu hết các nông, lâm trường, Ban quản lý rừng được Nhà nước giao đất từ trước năm 1990 với diện tích quản lý lớn, nhưng việc giao đất chỉ thể hiện trên văn bản, tọa độ mà không có bản đồ, không cắm mốc ngoài thực địa, được giao đất nhưng không xác định được ranh giới thực tế tại thực địa, việc quản lý thiếu chặt chẽ dẫn tới tình trạng đất để hoang hóa, lấn chiếm và tranh chấp với các hộ dân. Ví dụ như: Ban quản lý rừng ATK Định Hóa được giao đất từ năm 1986 với diện tích 16.785,73ha, nhưng chỉ quản lý được 6.4875,58ha; Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Chè Phú Lương được giao đất từ năm 1976 với diện tích 1.177ha, nhưng chỉ quản lý và có nhu cầu giữ lại 620ha; vẫn còn có hiện tượng công ty giao đất cho các hộ dân sử dụng nhưng không có hợp đồng giao khoán theo quy định hoặc nhiều trường hợp cấp đất sai mục đích sử dụng... Bên cạnh việc quản lý lỏng lẻo của các nông, lâm trường, ý thức chấp hành của người dân vẫn còn chưa tốt (như tự ý làm nhà ở, sử dụng đất sai mục đích và chậm nộp tiền thuê đất…). Sở dĩ xảy ra tình trạng trên chủ yếu vẫn là do sự quản lý lỏng lẻo của các nông, lâm trường, cùng với việc nguồn kinh phí cho công tác rà soát, đo đạc, lập hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ còn hạn chế, sự vào cuộc của các cấp, ngành chưa quyết liệt…
Đối với diện tích đất ở chưa cấp là 1.111ha, chủ yếu còn vướng mắc chưa cấp được là do các hộ gia đình, cá nhân đã làm nhà trên đất nông nghiệp trước ngày 1-7-2004, mua nhà thanh lý hoặc được giao trái thẩm quyền; nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, không rõ ràng; tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân với các tổ chức như: Trường Đại học Công nghệ thông tin - Truyền thông, Trường Đại học Y - Dược, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên; hoặc các gia đình tự ý làm nhà trên đất nhận giao khoán của các nông, lâm trường...
Đối với đất do các tổ chức sử dụng, diện tích chưa cấp được chủ yếu do nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, không rõ ràng, có tranh chấp với hộ gia đình, cá nhân, hoặc tự ý giao đất cho cán bộ (giao đất trái thẩm quyền); một số doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất nên chưa đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ theo quy định... Với đất nông nghiệp chưa cấp được chủ yếu là do nguồn tài liệu bản đồ địa chính được đo đạc từ trước năm 1993 nên đã có nhiều biến động cần phải đo đạc, chỉnh lý trước khi thực hiện cấp GCNQSDĐ; một số xã chưa có bản đồ địa chính nên tỷ lệ cấp GCNQSDĐ còn đạt thấp…
Trước thực trạng đó, thực hiện Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 4-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2013, Sở Tài nguyên - Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết và Chỉ thị về công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu; thành lập 9 đoàn kiểm tra về công tác cấp GCNQSDĐ trên địa bàn do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn. Đồng thời, tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết về nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về đất đai; Chương trình xây dựng Nghị quyết và Chương trình giám sát chuyên đề về công tác cấp GCNQSDĐ năm 2013. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 2 quyết định về phê duyệt kế hoạch cấp GCNQSDĐ, 6 văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị về công tác cấp GCN; chỉ đạo các địa phương bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện cấp GCNQSDĐ gắn với chỉ tiêu cấp GCN đã giao, bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất để đầu tư cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ. Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để người sử dụng đất thực hiện đúng trách nhiệm trong việc đăng ký đất đai, đồng thời phản ánh kịp thời, đầy đủ tình hình cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên - Môi trường cũng đã ban hành Kế hoạch và 14 văn bản đôn đốc, hướng dẫn triển khai công tác cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các huyện, thành, thị rà soát, xây dựng và báo cáo kế hoạch thực hiện cấp GCN năm 2013 và các năm tiếp theo (2014-2015), tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên - Môi trường trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí; thực hiện ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn để hỗ trợ các huyện, thành, thị đo đạc địa chính, đo chỉnh lý bản đồ địa chính và kê khai lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân và các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tổ chức làm việc với Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng Công ty Chè Việt Nam để thống nhất nhu cầu sử dụng đất của Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên, Chi nhánh Lâm trường Phúc Tân và Chi nhánh Chè Sông Cầu. Đồng thời phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị; tổ chức 9 hội nghị hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chưa được cấp GCNQSDĐ lần đầu trên địa bàn 9 huyện, thành, thị; phân công các đồng chí lãnh đạo sở, cán bộ chuyên môn đôn đốc, hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác cấp GCNQSDĐ tại các huyện, thành, thị; tổ chức các đoàn kiểm tra công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu trên địa bàn các huyện, thành, thị theo Quyết định số 790/QĐ-UBND ngày 26-4-2013 của UBND tỉnh.
Để giúp cho các địa phương, nông, lâm trường và các tổ chức khác thực hiện việc cấp GCNQSDĐ, Sở Tài nguyên - Môi trường đã huy động 60 cán bộ trực tiếp theo dõi địa bàn và hướng dẫn các tổ chức, các nông, lâm trường rà soát, lập hồ sơ kê khai cấp GCN. Đồng thời, ký hợp đồng với 15 đơn vị tư vấn thực hiện đo đạc bản đồ địa chính, đo chỉnh lý, lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ ở 79 xã, thị trấn, với trên 500 cán bộ kỹ thuật tham gia thực hiện.
Ngoài ra, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, Sở Tài nguyên - Môi trường còn thực hiện tốt Dự án tổng thể về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh, trong đó thực hiện điểm tại huyện Định Hóa. Theo đó, đến nay đã lắp đặt xong hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ kết nối, vận hành cơ sở dữ liệu. Sở cũng đã chỉ đạo hoàn thành việc đo đạc, cấp GCNQSDĐ và xây dựng cơ sở dữ liệu ở 24/24 xã, thị trấn của huyện Định Hóa; đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tại 15 xã, phường của T.P Thái Nguyên theo đúng lộ trình của Đề án nâng cao năng lực trong quản lý đất đai để phấn đấu đến năm 2020 cơ bản thực hiện việc giao dịch điện tử trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai trên toàn tỉnh...
Phát huy kết quả, thành tích đã đạt được, năm 2014, Sở Tài nguyên - Môi trường xác định tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ là một trong những nhiệm vụ, biện pháp quan trọng, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đất đai. Về một số nhiệm vụ cụ thể và giải pháp trọng tâm đặt ra trong công tác này là: Tiếp tục thực hiện Đề án nâng cao năng lực trong quản lý đất đai, trọng tâm là công tác đo đạc địa chính, cấp GCNQSDĐ, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai dạng số theo đúng lộ trình của Đề án, tiến tới quản lý đất đai bằng công nghệ thông tin (năm 2014 tập trung triển khai tại T.P Thái Nguyên). Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất; kiên quyết xử lý thu hồi đối với những diện tích đất quản lý và sử dụng không hiệu quả, vi phạm quy định về quản lý đất đai. Phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tập trung thực hiện việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân; tiếp tục kiểm tra, rà soát việc quản lý và sử dụng đất của các nông, lâm trường, Ban quản lý rừng. Chỉ đạo các huyện, thành, thị tập trung tháo gỡ để cấp GCNQSDĐ cho những trường hợp còn vướng mắc (như các hộ gia đình, cá nhân làm nhà xuống ruộng; đất tranh chấp giữa tổ chức với hộ gia đình, cá nhân mượn đất làm nhà…). Tiếp tục tham mưu rà soát để bổ sung, sửa đổi các thủ tục hành chính có liên quan đến công tác cấp GCNQSDĐ theo hướng đơn giản, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật đất đai...
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, năm 2013, công tác cấp GCNQSDĐ trên địa bàn đã đạt được kết quả cao: Tính đến hết năm, toàn tỉnh đã cấp GCNQSDĐ lần đầu được 243.157,77ha, đạt 92,36% trong tổng diện tích cần cấp, tăng 17,99% so với năm 2012, vượt 7,36% so với chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội. Đặc biệt là đã giải quyết cơ bản tình trạng tranh chấp đất đai giữa nông, lâm trường với các hộ dân; thu hồi và kiến nghị thu hồi trên 15.000ha đất của các nông, lâm trường, Ban quản lý rừng để giao cho các địa phương cấp cho nhiều hộ dân phát triển sản xuất.