Kinh tế Việt Nam tiếp tục có tín hiệu tốt trong năm nay

15:36, 01/04/2014

(TN)- Theo Cổng thông tin tổng hợp - Trung tâm nghiên cưu và phân tích dư liệu tài chính Gafin: Tại cuộc họp báo trong ngày đầu tháng 4, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã công bố bản báo cáo Triển vọng phát triển châu Á năm 2014 cho thấy GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ tăng nhẹ lên mức 5,6% và tiếp tục tăng lên mức 5,8% trong năm 2015.

Sự hồi phục tăng trưởng này được xem là có sự tác động của tăng trưởng nền kinh tế Mỹ và khu vực đồng euro và những tiến bộ đạt được của việc giải quyết những yếu kém của hệ thông ngân hàng thương mại trong nước....

 

Về tỷ lệ lạm phát, ADB cũng dự báo Việt Nam cũng sẽ có những tiến bộ khi chỉ ở mức 6,2%/năm trong năm 2014 và tăng lên khoảng 6,6% trong năm 2015. Năm 2013, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam là 6,6%. Với việc duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức khá thấp, tình hình sản xuất có xu hướng hồi phục, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có những tín hiệu tốt khi tăng trưởng theo hướng tích cực nhờ vào một số biện pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm hạn chế rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có việc mua một lượng đáng kể nợ xấu ngân hàng; tăng cường giám sát các hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng thương mạ; sáp nhập và tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém; nới lỏng những quy định hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng trong nước; đồng thời áp dụng các quy định mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế…

 

Đánh giá về quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, ADB cho rằng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một chương trình với nhiều tham vọng, trong khi các nhà đầu tư không chắc chắn về triển vọng kinh tế. Vì vậy, ADB chỉ có những đánh rất dè dặt về kết quả của cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước trong hai ba năm tới.

 

Về những khó khăn, thách thức, ADB cũng có nhận định kinh tế Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với việc cơ sở hạ tầng thấp kém. Vì thế, việc thu hút đầu tư tư nhân thông qua cơ chế đối tác Nhà nước - tư nhân sẽ có những đóng góp nhiều vào việc huy động vốn cho các dự án, đồng thời giúp Việt Nam tiếp cận được với kiến thức chuyên môn và công nghệ quốc tế, nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng xã hội…

 

Cũng theo nhận định của ADB thì khuôn khổ pháp lý hiện hành của Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn và thuận lợi để cho việc thu hút vốn theo cơ chế hợp tác Nhà nước - tư nhân diễn ra mạnh mẽ, mức đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng còn hạn chế. Đây là những vấn đề mà Việt Nam cần có những biện pháp để thay đổi đẩy mạnh đầu tư từ nhiều nguồn vốn trong phát triển kinh tế.