Người đưa “linh kê” về...Phố!

23:03, 08/04/2014

Vốn là Phó chủ nhiệm Khoa Chăn nuôi, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, sau ngày hưu trí, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Khắc Khôi (hiện ở tổ 19B phố Thọ Mai, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì) lại tiếp tục niềm say mê nghiên cứu khoa học về các vật nuôi. Công trình nghiên cứu khoa học Gà nhiều cựa là một trong những đề tài mà ông và các cộng sự đã gặt hái những thành công bước đầu.

Gặp ông một chiều cuối năm con Rắn tại nhà riêng, vẫn phong thái điềm tĩnh của nhà giáo, ông Khôi nhẹ nhàng: Xưa, Vua Hùng từng thách Sơn Tinh và Thủy Tinh ai tìm được “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” thì sẽ được Người gả cho Mỵ Nương làm vợ. Một trong ba thứ sính lễ tưởng chỉ có trong truyền thuyết ấy, đã được đồng bào người Mường, người Dao ở bản Cỏi, bản Lấp thuộc Vườn Quốc gia Xuân Sơn đời nối đời gìn giữ, để đến đầu tháng 2-2012, Bộ Nông nghiệp và PTNT có Thông tư đưa bổ sung giống gà nhiều cựa (trong đó không ít con có đủ 9 cựa như truyền thuyết) vào danh mục “nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn”.

 

Nói về công trình nghiên cứu của mình và các cộng sự, ông Khôi cho biết: Để thực hiện đề tài, trong 6 năm, chúng tôi đã tiến hành 2 bước cơ bản: Bước 1- Điều tra, khảo sát xác định sự phân bố, số lượng, một số đặc tính sinh học của loại gà có nhiều cựa; bước 2- Xây dựng dự án bảo tồn và phát triển. Khi mới thực hiện được bước 1 thì số tiền 30 triệu đồng ngân sách hỗ trợ đã cạn. Để làm bước 2, ông đã phải sử dụng tiền lương hưu của mình và sự giúp đỡ của gia đình. Ông đã nghiên cứu về khả năng thích nghi của gà nhiều cựa trong các môi trường và điều kiện khác nhau để đi đến kết luận: Có thể nuôi gà nhiều cựa với quy mô sản xuất hàng hóa ở các điều kiện tự nhiên khác điều kiện ở Xuân Sơn. Từ đây, một giống vật nuôi cực kỳ quý hiếm, thậm chí “có thể đây là một giống vật nuôi có một không hai trên thế giới” như nhận định của ông Theodor Bengmann - chuyên gia Cộng hòa liên bang Đức, bao năm bị chìm lấp bởi màn sương huyền thoại giữa núi rừng Xuân Sơn, đã cất tiếng gáy danh mục “nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn” của quốc gia.

 

Đã được mục kích trại gà nhiều cựa của ông Khôi giữa phố, nhưng cách đây mấy năm, tôi vào Xuân Sơn, nhờ các bạn ở Trạm Kiểm lâm Vườn quốc gia đưa đi xem “gà rừng nhiều cựa”. Quả là của hiếm, dạo khắp hai bản cũng chỉ thấy vài nhà có “của độc”. Con gà trống màu đỏ tươi, đuôi cong vút. Cặp chân to, chắc và mọc đều 4 cựa mỗi bên theo hàng. Các cựa không dài đều nhau, riêng cựa trên cùng nhìn như sừng, tựa như chiếc nanh hổ mà “dân anh chị” hay xâu vào dây bạc đeo lủng lẳng trước ngực. Thịt giống linh kê này tôi chưa từng biết đến, nhưng theo báo cáo của UBND tỉnh với Bộ Nông nghiệp và PTNT: Hàm lượng chất khô trong thịt 25,9-26,1%; hàm lượng chất đạm/chất hữu cơ 90-92%; hàm lượng mỡ/chất hữu cơ 1,65-1,85%; hàm lượng khoáng/chất khô 8,5-10%. Thịt thơm ngon, mùi vị hấp dẫn.

 

Kết quả nghiên cứu của ông Khôi đã mở ra hướng bảo tồn và phát triển giống gà quý. Theo thông tin từ cuốn “Gà nhiều cựa - một sản vật quý hiếm” của tác giả nguyễn Khắc Khôi do Hội Chăn nuôi thú ý tỉnh Phú Thọ xuất bản năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện Tân Sơn đã xây dựng mô hình nuôi gà nhiều cựa tại bản Cỏi, bản Dù xã Xuân Sơn. Một số gia đình ở Xuân Sơn và phụ cận đã nuôi linh kê hàng hóa, trước hết phục vụ khách du lịch.

 

Sau khi kết thúc đề tài, gà nhiều cựu đã được đưa vào “sách đỏ” của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trên tầng thượng nhà riêng, ông Khôi nuôi sinh sản, cung cấp giống gà nhiều cựa cho một số nơi ở Hà Nội. Nay đã 75 tuổi, lại mắc chứng huyết áp cao, khó có thể leo cầu thang lên tầng thượng với gà, nên ông Khôi đành “hạ nhiệt” cái máu nghề chăn nuôi, dẹp đi trang trại giữa phố. Cuối năm 2013, ông vừa có niềm vui được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, nhưng ông vẫn có chút chạnh buồn vì kết quả nghiên cứu chưa được ứng dụng rộng rãi để phát triển con đặc sản ngay tại nơi lưu giữ giống quý đã hàng ngàn năm nay.

 

Phía sau nơi ông ở, trên đường vành đai công viên Văn Lang, đáp ứng nhu cầu thị trường, có bao nhiêu quán gà chọi, gà cựa mọc lên. Ông Khôi nói trong nỗi nuối tiếc: Giá như trong số đó có một quán Gà nhiều cựa bản Cỏi, bản Lấp, hẳn du khách đến Việt Trì khó có thể bỏ qua, như đã có quán chè sạch Xuân Sơn bên đường Châu Phong luôn đông khách tri âm tri kỷ.