Sẽ thêm 2.000 - 2.500 tỷ đồng được phân bổ cho 7 dự án ODA cấp bách do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý ngay tại đợt ứng đầu tiên của năm 2014.
Đây là thống nhất của đại diện liên bộ GTVT, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp “Rà soát tình hình thực hiện và nhu cầu bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA theo cam kết với nhà tài trợ” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì vừa tổ chức tại Hà Nội hôm 8/4.
“Bản danh sách này chỉ làm tạm thời, bởi các dự án chỉ có thể nhận thêm vốn nếu chủ đầu tư trình được xác nhận của Kho bạc Nhà nước là hoàn thành giải ngân ít nhất 70% vốn đối ứng đã được ghi trong năm nay trước thời điểm 30/4/2014 và có được phương án đền bù giải phóng mặt bằng được chính quyền địa phương phê duyệt”, ông Trần Đức Toàn, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định.
Hiện có ít nhất 2 dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư có khả năng hoàn thành mục tiêu này sớm hơn khoảng 15 ngày so với yêu cầu của liên bộ đề ra.
“Chậm nhất đến giữa tháng 4/2014, chúng tôi sẽ cơ bản giải ngân xong gần 900 tỷ đồng vốn đối ứng bố trí chính thức cho Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành”, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết.
Được biết, nhu cầu vốn đối ứng bổ sung cho hai dự án này trong năm nay lên tới 2.300 tỷ đồng, trong đó riêng Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự kiến khởi công vào tháng 6/2014, là khoảng 1.500 tỷ đồng.
Theo đại diện Văn phòng Chính phủ, để có được mức tạm ứng nói trên, Chính phủ sẽ phải “co, kéo” nguồn lực vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ đầu tư cho hạ tầng vốn đang gặp nhiều rất khó khăn.
Đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, tổng quỹ vốn đối ứng cho toàn bộ các dự án ODA trong toàn quốc năm 2014 chỉ được Quốc hội bố trí khoảng 8.000 tỷ đồng. Bộ GTVT là ngành nhận vốn đối ứng nhiều nhất, chiếm khoảng 35% tổng nguồn vốn đã được bố trí.
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2014, Bộ GTVT đã đề nghị được bố trí thêm 8.238 tỷ đồng cho các dự án ODA ngay trong năm nay. Số vốn này chưa bao gồm 2.555 tỷ đồng lấy từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ phục vụ đối ứng, đã được Thủ tướng phân bổ hồi đầu năm.
“Nếu bố trí đủ vốn đối ứng theo nhu cầu, năm 2014, các dự án ODA có khả năng giải ngân được 35.000 tỷ đồng vốn ODA và hoàn thành được 245 km đường cao tốc, 12 km đường đô thị chính yếu; cải tạo, nâng cấp được 167 km đường quốc lộ; hoàn thành Nhà ga T2 Nội Bài…”, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) khẳng định.
Đối với các dự án ODA giao thông, phần vốn đối ứng có vai trò hết sức quan trọng, bởi phần lớn được chi trả cho các khoản bồi thường, giải phóng mặt bằng - yếu tố then chốt quyết định tiến độ xây lắp cũng như giải ngân chung.
“Nhu cầu bổ sung vốn đối ứng cho các dự án giao thông trọng điểm là rất lớn, nhưng việc bố trí ứng vốn sẽ chỉ được thực hiện dựa trên khả năng giải ngân thực tế, nhằm tránh tình trạng vốn kết dư tại kho bạc vào cuối năm”, ông Toàn cho biết.
Nhận định của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư là hoàn toàn có cơ sở, bởi tính đến đầu tháng 4/2014, Bộ GTVT mới giải ngân chưa đầy 100 tỷ đồng trong tổng số hơn 1.900 tỷ đồng vốn đã được bố trí.
Được biết, số tiền bổ sung đợt 1 cho 7 dự án nói trên sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất, để vốn có thể sớm chảy vào các công trình, góp phần thúc đẩy tiến độ các hợp phần xây lắp theo đúng cam kết với các nhà tài trợ./.