Phú Tiến phát triển trồng rừng

14:35, 12/04/2014

Với lợi thế diện tích đất lâm nghiệp lớn, nguồn lao động dồi dào, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Phú Tiến (Định Hóa) đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt công tác trồng rừng và coi đó là thế mạnh kinh tế của xã. Trồng rừng ở Phú Tiến không chỉ góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Đồng chí Ngô Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tiến cho biết: Nghề trồng rừng ở Phú Tiến có từ cách đây hơn 20 năm, chủ yếu trồng cây bồ đề với quy mô nhỏ và mang tính tự phát. Năm 2005, xã thực hiện chính sách giao đất, giao rừng đến người dân thì công tác trồng rừng bắt đầu có bước phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, Phú Tiến có 836 hộ dân thì có khoảng 85% số hộ tham gia phát triển lâm nghiệp, với gần 1.000ha rừng, hầu hết trồng keo và tập trung ở 10 thôn trên toàn xã. Hằng năm, căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch từ huyện giao và nhu cầu phát triển rừng tại các thôn, UBND xã Phú Tiến đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu trồng rừng tới từng thôn, trong đó có chỉ tiêu phát triển rừng theo Dự án 661, Dự án 147 và nhân dân tự đầu tư. Đồng thời, cử các cán bộ khuyến nông, khuyến lâm phối hợp với từng thôn, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nhân dân về quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trước khi bước vào vụ trồng rừng mới. 

 

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trồng rừng nên diện tích rừng của xã hằng năm đều tăng, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Trong 3 năm gần đây, toàn xã đã trồng được trên 500 ha rừng sản xuất, trong đó trồng rừng theo Dự án 661 là gần 300 ha, theo Dự án 147 là hơn 100ha, nhân dân đầu tư tự trồng được trên 100 ha. Vì thế, tỷ lệ che phủ rừng được nâng lên rõ rệt, nếu như năm 2011, tỷ lệ che phủ rừng chỉ đạt 68% thì đến hết năm 2013, tỷ lệ che phủ rừng đã tăng lên gần 80%. Mặt khác, việc trồng rừng ở Phú Tiến đã từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện đời sống cho bà con, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo nhờ trồng rừng.

 

Thôn 7 là thôn có phong trào trồng rừng mạnh nhất xã Phú Tiến, với tổng diện tích hơn 130 ha. Trong đó, đi đầu trong phong trào trồng rừng ở thôn là gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, với hơn 7ha rừng keo và mỡ trồng từ năm 2005, đến nay hai loại cây này đã đến tuổi khai thác, với giá bán bình quân khoảng 1 triệu đồng/m3, mỗi ha rừng sẽ cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Chị Huệ ước tính, năm nay gia đình chị sẽ thu về khoảng 400-500 triệu đồng từ rừng keo. Theo chị Huệ, trồng rừng mang lại hiệu quả cao hơn so với cấy lúa và trồng chè. Nguồn thu nhập này đã giúp gia đình chị thoát nghèo. Ngoài gia đình chị Huệ, ở thôn 7 còn rất nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ trồng rừng như gia đình chị Nguyễn Thị Bình, Dương Thị Lê…Diện mạo ở thôn 7 đang thay da đổi thịt từng ngày, những ngôi nhà mái ngói khang trang, sạch đẹp xuất hiện ngày một nhiều hơn, người dân đã có điều kiện mua sắm những vật dụng thiết yếu trong gia đình như ti vi, tủ lạnh, xe máy… Từ một thôn khó khăn nhất xã, đến nay, thôn 7 đã vươn lên trở thành thôn có kinh tế phát triển khá, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 25%, giảm 10% so với năm 2011.

 

Hiện nay, trên địa bàn xã Phú Tiến có trên 65% diện tích rừng đang trong độ tuổi khai thác. Ngoài thu nhập chính từ việc bán nguyên liệu gỗ, nghề trồng rừng còn tạo thu nhập cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại xã từ việc làm thuê, khai thác gỗ cho các chủ rừng. Vào mùa khai thác gỗ, trung bình một lao động có thể kiếm từ 100 - 150 nghìn đồng/ngày. Nhờ vây, đời sống của bà con nhân dân xã Phú Tiến từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng/người/năm (năm 2011) tăng lên 12 triệu đồng/người/năm (năm 2013).

 

Để phát huy có hiệu quả mô hình trồng rừng kinh tế, nhằm mục tiêu cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, thời gian tới, chính quyền xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để các hộ dân tự giác tiến hành chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng hiện có. Đồng thời, hướng dẫn bà con tích cực trồng thay thế những diện tích rừng sau khi được khai thác để duy trì và phát triển tài nguyên rừng. Vận động nhân dân tận dụng đất đai để trồng rừng kinh tế có hiệu quả, nhằm tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn, sụt lở đất… Bên cạnh đó, mở các lớp tập huấn về công tác phòng cháy, chữa cháy, từng bước nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng.Năm 2014, xã  Phú Tiến có kế hoạch trồng thay thế 80ha rừng, ngoài ra có thêm 32ha do bà con tự bỏ vốn để trồng. Đến nay, công tác chuẩn bị trồng rừng đã hoàn thành trên 80%, đảm bảo trồng rừng theo đúng kế hoạch đề ra.