Mặc dù quản lý số dư nợ lên tới trên 1,7 tỷ đồng - lớn nhất trong tổng số 3.220 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thái Nguyên - nhưng từ nhiều năm nay, tổ TK-VV do chị Hoàng Thị Hà, ở xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn (T.X Sông Công) làm tổ trưởng không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Đây cũng là tổ thực hiện rất tốt việc huy động tiền gửi tiền tiết kiệm của các hộ tổ viên…
Nhanh nhẹn và có tinh thần trách nhiệm cao với công việc chung là những gì chúng tôi cảm nhận được qua tiếp xúc với chị Hà. Nói như chị Dương Thị Thái, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vinh Sơn: “Chị ấy luôn hết lòng với công việc chung và sẵn sàng giúp đỡ các tổ viên khi gặp khó khăn”. Chị Hà sinh năm 1978, được bầu làm tổ trưởng tổ TK-VV từ tháng 8-2009 đến nay. Trước đây, tổ TK-VV này chỉ có 20 hộ hội viên, nhưng chỉ sau một thời gian được giao cho chị Hà phụ trách, nhận thấy sự nhiệt tình, trách nhiệm cũng như bảo đảm tinh thần dân chủ, công bằng trong việc bình xét cho vay của tổ trưởng nên số người xin tham gia sinh hoạt trong tổ ngày một tăng, hiện nay đã lên tới 55 hội viên. Đến nay, trong tổng số dư nợ của xóm, thì nguồn vốn vay theo chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn chiếm số lượng lớn nhất với gần 1,1 tỷ đồng, tiếp đó là nguồn vốn học sinh - sinh viên 256 triệu đồng, tiếp đến là hộ nghèo, cận nghèo và nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn.
Vinh Quang 2 là xóm thuần nông, hiện có 112 hộ, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào trồng lúa, chè và chăn nuôi, do đó nhu cầu về vốn trong nhân dân rất lớn. Trước việc nguồn vốn cho vay của NHCSXH còn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu vay của bà con nên mỗi lần xóm được phân bổ nguồn vốn, chị Hà đều tranh thủ ý kiến của đồng chí bí thư chi bộ và trưởng xóm, sau đó họp tổ để bình xét công khai việc cho vay đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng. Chính điều này đã góp phần giúp người sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và nhờ đó, nhiều năm qua, tổ TK-VV của chị không bao giờ xảy ra tình trạng bất đồng ý kiến trong các tổ viên…
Chị Hà tâm sự: Qua thực tế hoạt động, tôi nhận thấy, để tổ hoạt động tốt thì trước hết, tổ phải được thành lập theo đúng quy định có sự giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, ban quản lý tổ TK-VV (gồm tổ trưởng và tổ phó) luôn phải thực hiện nghiêm túc các quy trình nghiệp vụ của NHCSXH. Từ nhận thức đó, chị Hà luôn chú trọng tổ chức sinh hoạt tổ đều đặn, nhằm tạo thói quen cho tổ viên sinh hoạt định kỳ, thực hiện nghiêm túc quy ước hoạt động của tổ TK-VV và những nội dung đã cam kết trong hợp đồng ủy nhiệm với NHCSXH… Để nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt, chị và đồng chí tổ phó thường xuyên đổi mới hình thức sinhh hoạt, triển khai đầy đủ những thông tin liên quan đến hoạt động vay vốn, những kiến thức khoa học kỹ thuật hữu ích trong sản xuất, chăn nuôi… từ đó thu hút sự tham gia sinh hoạt đầy đủ và nhiệt tình của các tổ viên.
Không chỉ quản lý tốt nguồn vốn vay, tổ TK-VV của chị Hà còn là một trong những tổ đi đầu trong việc huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ. Đến nay, 100% tổ viên trong tổ đều tham gia gửi tiết kiệm, với số tiền gửi trung bình của mỗi tổ viên là 30.000 đồng/hộ/tháng. Nhờ đó, tính đến ngày 31-12-2013, số dư tiền gửi tiết kiệm của tổ chị đạt tới 48,3 triệu đồng, cao hơn khoảng 2 lần so với trung bình chung của các tổ TK-VV của cả tỉnh.
Chị Tạ Thị Tám, thành viên của tổ nhận xét: Không chỉ các thủ tục xin vay của NHCSXH thuận tiện, mà việc trả lãi cũng như gửi tiền tiết kiệm hàng tháng của chúng tôi cũng rất đơn giản, dễ dàng. Trước đây theo quy định, hàng tháng, các hộ đều phải đến nhà văn hóa xóm để nộp tiền lãi, nhưng sau một thời gian chị Hà đảm nhận vai trò tổ trưởng, thấy cách nộp này làm ảnh hưởng ít nhiều đến công việc gia đình của bà con nên chị Hà đã chủ động đến từng hộ để thu. Chị Hà lý giải: “Việc đến từng hộ thu lãi và nhận tiền gửi tiết kiệm cũng là cách để tôi nắm bắt được tình hình sử dụng vốn của các tổ viên xem có đúng mục đích và đạt hiệu quả hay không, đồng thời cũng là để hiểu hơn về gia cảnh, nhu cầu và tâm tư, nguyện vọng của mỗi người”. Chính điều này đã góp phần quan trọng để từ nhiều năm qua, trong tổ không có hiện tượng xâm tiêu, chiếm dụng, nợ quá hạn hay vay ké. Đối với những hộ gặp khó khăn, không có khả năng trả lãi, gửi tiết kiệm, thậm chí là trả nợ gốc, chị luôn sẵn lòng dùng tiền của cá nhân để giúp họ thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng được kịp thời. Trung bình mỗi tháng, chị tạo điều kiện cho từ 2-3 trường hợp được vay như thế.
Được biết, trước khi được bầu làm tổ trưởng tổ TK-VV, chị Hà đảm nhận vai trò là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm. Thời gian đó, chị được tìm hiểu rất nhiều về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Và chính chị cũng là người đã triển khai nội dung Cuộc vận động đến các hội viên. Bởi thế, hơn ai hết, chị hiểu và luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trước công việc chung của tập thể. Chị bảo, những lời dạy của Người thật chí lý, chí tình. Những việc gì có lợi cho dân chị đều cố gắng làm và làm thật tốt, còn những việc gì có hại cho dân, chị đều hết sức tránh, dù điều đó có thể rất khó khăn.
Đồng chí Lê Văn Hồng, Trưởng phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ tín dụng Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Các thành viên ban quản lý tổ TK-VV chính là cánh tay nối dài của Ngân hàng, trong đó tổ trưởng giữ vai trò chủ chốt, từ việc làm hồ sơ đến việc thu lãi, thu tiền tiết kiệm, triển khai các chương trình mới…, chỉ khi từng cánh tay khỏe mạnh mới giúp Ngân hàng hoạt động hiệu quả. Những tổ trưởng tổ TK-VV có tấm lòng nhiệt tình và trách nhiệm như chị Hà thật đáng trân trọng và là tấm gương sáng để nhiều thành viên ban quản lý tổ TK-VV khác noi theo.