Tăng cường quản lý chất lượng giống vật nuôi

09:11, 12/04/2014

Lợn và gia cầm là hai đối tượng chăn nuôi chính của người dân trong tỉnh. Với trên 600 trang trại chăn nuôi tập trung và hằng trăm nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi năm tỉnh ta cần tới gần 10 triệu con giống gia cầm, 500-600 nghìn con lợn. Tuy nhiên, công tác quản lý, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh hiện chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 trại giống gia súc, gia cầm do Trung tâm Giống vật nuôi quản lý; 165 cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản với tống số trên 16,5 nghìn con nái và 103 cơ sở sản xuất giống gia cầm. Trong đó, nhiều cơ sở sản xuất chăn nuôi lợn nái sinh sản có quy mô trên 1.000 con như cơ sở của ông Nguyễn Văn Tiếp, xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ); bà Trần Thị Mai, xóm Soi Vàng, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên); Công ty TNHH Hoàn Dũng, xóm Chằm, xã Minh Đức (Phổ Yên)… Sản xuất giống gia cầm cũng có nhiều cơ sở sản xuất quy mô lên đến hơn 30.000 con nhue cơ sở của bà Phạm Thị Lan, tổ dân phố Ao Ngo, phường Cải Đan (T.X Sông Công); ông Phạm Văn Trường, xóm Tiến Bộ, xã Dương Thành (Phú Bình); Xí nghiệp Giống gia cầm Phổ Yên…

 

So với các tỉnh bạn, nguồn cung ứng giống vật nuôi của Thái Nguyên khá dồi dào. Tuy nhiên, sản xuất giống trên địa bàn vẫn đang tập trung chủ yếu tại các trang trại, nông hộ. Trong số đó, vẫn còn không ít hộ dân mua lợn giống gốc kém chất lượng về gây giống, cộng với quy trình sản xuất không đạt yêu cầu dẫn đến con giống kém chất lượng. Đối với sản xuất giống gia cầm, vẫn còn những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thu gom trứng không có sự kiểm soát về chất lượng và dịch bệnh. Về phía người chăn nuôi, do chủ quan hoặc hám rẻ nên nhiều người cố tình mua con giống không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, chưa được tiêm phòng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Nhung, một hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ ở xóm 3, thị trấn Quân Chu (Đại Từ) cho hay: Thời điểm này năm ngoái, thấy một người bạn mua được giống gà ở cửa hàng kinh doanh con giống nằm trên địa phận thị trấn Ba Hàng (Phổ Yên) với giá chỉ bằng một nửa so với trên thị trường, tôi đã nhờ bạn mua hộ 100 con gà về nuôi nhưng chỉ được hơn chục ngày, đàn gà chết hết do mắc bệnh “rù”. Chỉ vì ham rẻ mà tôi vừa mất tiền mua giống, vừa mất công chăn nuôi…

 

Thực tế nêu trên đã gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng con giống ở Thái Nguyên. Hơn nữa, chăn nuôi nông hộ đang chiếm tỷ lệ gần 90% trong ngành Chăn nuôi của tỉnh với việc sử dụng các giống địa phương, giống lai tạp là chủ yếu. Điều này đống nghĩa với việc giống sản xuất ra đa phần được tiêu thụ ngay tại địa phương (các vùng sản xuất giống) nên rất khó để ngành chức năng có thể quản lý được các đối tượng con giống này… Thêm vào đó, lực lượng làm công tác này từ tỉnh đến huyện còn rất mỏng. Phòng Chăn nuôi của Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ có 3 cán bộ. Còn tại Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện cũng chỉ bố trí từ 1 đến 2 cán bộ làm công tác này nhưng chủ yếu là kiêm nhiệm…

 

Giống vật nuôi là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho người chăn nuôi. Do vậy, để làm tốt công tác quản lý, góp phần nâng cao chất lượng con giống, các cấp, ngành, địa phương bên cạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống vật nuôi quy mô lớn, hiện đại thì cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất. Cùng với đó là tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất giống vật nuôi cho người dân; yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi phải làm các thủ tục để được cơ quan thú ý cấp giấy chứng nhận kiểm dịch; tiến hành rà soát các cơ sở sản xuất giống vật nuôi, phân loại để việc quản lý được thuận lợi.

 

Đặc biệt, các cơ quan chức năng phải phổ biến các quy định của Pháp lệnh Giống vật nuôi cho người dân, tạo điều kiện để bà con chấp hành. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các trường hợp sản xuất giống kém chất lượng, vi phạm các quy định của Pháp lệnh Giống vật nuôi. Trong thời gian tới, ngành chức năng cần yêu cầu các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh phải công bố hợp quy bởi đây là quy định bắt buộc của Pháp lệnh, từ đó giúp cho việc quản lý chất lượng con giống trên địa bàn được thuận lợi hơn.

 

Một giải pháp nữa cũng cần được đẩy mạnh trong thời gian tới để đảm báo chất lượng giống vật nuôi trên địa bàn là ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển con giống ra vào địa bàn tỉnh, tạo vành đai an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Các địa phương cần tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không vận chuyển con giống mắc bệnh, từ vùng có dịch bệnh, không rõ nguồn gốc về địa phương; xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển con giống không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, đặc biệt gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc theo quy định. Các cơ sở nuôi đàn giống bố mẹ phải có cán bộ kỹ thuật được đào tạo về chuyên ngành chăn nuôi, trình độ từ trung cấp trở lên; tăng cường công tác quản lý giống, loại thải con giống kém chất lượng; thay đổi chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, hệ thống chuồng nuôi; thực hiện tốt việc giám định bình tuyển để loại bỏ những con giống kém...