Tình hình kinh tế trong nước thời gian qua gặp nhiều khó khăn khiến việc sản xuất, kinh doanh ngừng trệ, hàng tồn kho lớn, tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau diễn ra khá phổ biến… là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nợ thuế của các doanh nghiệp có xu hướng tăng. Trước thực trạng đó, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp được cho là “mạnh tay”, nhờ đó bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Trưởng phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh) thông tin, trong tổng số nợ thuế trên địa bàn tỉnh hiện nay, khối tỉnh chiếm 63%, tương ứng với số tiền trên 169 tỷ đồng, còn lại là khối huyện với gần 100 tỷ đồng. Đáng lưu ý, đối với khối tỉnh, hiện có 41 doanh nghiệp, đơn vị có số nợ thuế lớn với số nợ lên tới 159 tỷ đồng. Trong số các đơn vị nợ thuế, nhiều đơn vị nợ đọng kéo dài từ nhiều năm trước khiến số tiền phạt chậm nộp lên tới vài tỷ đồng. Điều này đã và đang làm ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách của tỉnh. Trước thực trạng đó, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để thu nợ...
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Hà, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Năm 2013, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm và những tháng đầu năm 2014, ngành Thuế liên tục triển khai nhiều biện pháp theo quy trình quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế nhằm giảm nợ thuế. Theo đó, cơ quan Thuế đã thực hiện trên 3.000 cuộc điện thoại, gửi tin nhắn và thông qua hòm thư điện tử để nhắc nhở, đôn đốc người nộp thuế; gửi thông báo tiền thuế và tiền chậm nộp đến 100% đơn vị, doanh nghiệp chậm nộp thuế; mời 245 đơn vị nợ thuế đến cơ quan Thuế làm việc về thanh toán nợ thuế; tổ chức hội nghị thu nợ với hơn 30 doanh nghiệp có số nợ lớn, dây dưa để triển khai biện pháp thu nợ; họp với đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Nguyên và 16 ngân hàng thương mại trên địa bàn để bàn biện pháp phối hợp với ngành Thuế thực hiện cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước; ra thông báo sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế 511 trường hợp; ra quyết định cưỡng chế đình chỉ sử dụng hóa đơn bán hàng 12 trường hợp; phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư để thu ngay các khoản thuế nợ khi các doanh nghiệp được thanh toán vốn… Với các giải pháp đồng bộ, liên tục và quyết liệt nêu trên, kết quả công tác quản lý nợ đã có bước chuyển biến tích cực, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có ý thức trách nhiệm cao hơn về thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, hầu hết các doanh nghiệp đã nộp ngay số thuế phát sinh hàng tháng, một số doanh nghiệp nợ lớn đã nộp thuế theo bản cam kết. Vì thế, số thuế nợ tính đến 31-12-2013 đã giảm cả số tuyệt đối và tỷ lệ nợ, với tổng số thuế nợ có khả năng thu là 177,602 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ nợ giảm còn 5,2% (trong khi đó, tính đến cuối tháng 6-2013, tổng số thuế nợ có khả năng thu là 229,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,7% so với tổng số thu của năm). Tuy nhiên, đối với một số đơn vị có số nợ thuế lớn thì chưa có sự chuyển biến đáng kể.
Trước thực trạng số nợ thuế quý I/2014 có xu thế tăng (điều này phù hợp với tình hình chung của các địa phương cũng như của những năm gần đây, do các đơn vị thường tập trung trả nợ thuế vào dịp cuối năm), trong thời gian này, Cục Thuế tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác thu nợ theo Luật Quản lý thuế sửa đổi và Thông tư số 215/TT-BTC ngày 31-12-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đối với công tác thu nợ, như: Tiếp tục ra thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp đến các doanh nghiệp nợ thuế; thường xuyên đối chiếu, nắm chắc số thuế nợ, số thuế phát sinh hàng tháng; thực hiện ngay các biện pháp cưỡng chế nợ: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, yêu cầu phong toả tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với các doanh nghiệp có số thuế nợ trên 90 ngày đã ra thông báo. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hà thì trong số các biện pháp này, Cục Thuế tỉnh sẽ đặc biệt lưu ý sử dụng biện pháp cưỡng chế thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng. Trong trường hợp các doanh nghiệp vẫn tiếp tục dây dưa, không chấp hành đúng quy định, Cục Thuế sẽ có văn bản báo cáo, xin ý kiến của tỉnh cho đăng tải thông tin về các doanh nghiệp, đơn vị, HTX không nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế mới đây.
Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp nhằm giảm nợ thuế, Cục Thuế tỉnh cũng đã và đang chủ động cùng doanh nghiệp xây dựng kế hoạch trả nợ theo hướng trả dần để giảm bớt áp lực trả nợ cho doanh nghiệp trong một thời điểm nhất định, từ đó có thêm điều kiện để sản xuất kinh doanh; dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Thuế đã phối hợp với các cơ quan Kho bạc, Tài chính, các Ngân hàng thương mại thực hiện thanh toán bù trừ đối với những doanh nghiệp cung cấp xi măng phục vụ chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh…
Năm 2014, Cục Thuế tỉnh được Bộ Tài chính giao chỉ tiêu thu 3.200 tỷ đồng, còn HĐND tỉnh giao thu 3.452 tỷ đồng. Với tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn, thách thức, việc nợ thuế của các doanh nghiệp chắc chắn vẫn sẽ diễn ra. Bằng các biện pháp đã và đang thực hiện, Cục Thuế tỉnh phấn đấu đưa tỷ lệ nợ thuế trên tổng số thuế thu được không vượt quá 5% theo quy định mà Tổng cục Thuế đã giao.