Tạo việc làm cho người lao động ở Trung Thành

15:10, 10/04/2014

Xã Trung Thành (Phổ Yên) là địa phương có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi cho các dự án công nghiệp khiến một lượng lao động khá lớn bị ảnh hưởng. Để cuộc sống người dân không bị xáo trộn, những năm qua xã luôn quan tâm tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho lao động địa phương.

Ông Phạm Công Thành, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Từ năm 2008 đến nay, xã đã thu hồi hơn 60ha đất nông nghiệp phục vụ cho các dự án, điều này đã ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng nghìn lao động địa phương. Do đó, những năm qua, xã đã thực hiện nhiều giải pháp để tạo việc làm cho người lao động như: phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tuyển dụng lao động địa phương, tăng cường tuyên truyền giới thiệu lao động tới các doanh nghiệp có nhu cầu; khôi phục một số nghề truyền thống và khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình ngành nghề; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân…

 

Anh Trịnh Tiến Biên ở xóm Thu Lỗ, xã Trung Thành là một trong những lao động được xã giới thiệu vào làm việc tại Nhà máy Gạch Gia Phong (Công ty TNHH Thương mại Gia Phong). Gia đình anh làm nông nghiệp nhưng diện tích đất ít, lại bị ảnh hưởng bởi các dự án nên gặp nhiều khó khăn. Đến tuổi lao động, anh Biên vẫn loay hoay với nhiều công việc khác nhau có mức lương thấp và không ổn định. Từ khi vào làm việc tại Nhà máy, anh đã có công việc ổn định và mức lương cao hơn. Anh Biên cho biết: Khi Nhà máy đầu tư xây dựng trên địa bàn xã, tôi và nhiều lao động khác đã được xã giới thiệu, phối hợp đào tạo để vào làm việc tại Nhà máy. Hiện tôi làm vận hành máy sản xuất gạch với mức lương 5 triệu đồng/tháng và được Công ty đóng đầy đủ các loại bảo hiểm, có tiền thưởng các dịp lễ, Tết.

 

Ông Dương Như Duy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Gia Phong cho biết: Hiện, Nhà máy Gạch Gia Phong tạo công việc ổn định cho 115 lao động địa phương với thu nhập bình quân 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ sự giới thiệu, phối hợp đào tạo của xã Trung Thành, lực lượng lao động trên có tay nghề và ý thức kỷ luật khá cao, họ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Ngoài Nhà máy gạch Gia Phong, trên địa bàn xã Trung Thành còn có hàng chục nhà máy, công ty, hợp tác xã (HTX) khác, tạo công việc ổn định cho hàng trăm lao động, tiêu biểu như: HTX May công nghiệp Tân Bình Minh tạo việc làm cho trên 350 lao động; Nhà máy sản xuất bao bì Quân Thành trên 50 lao động; Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Đa Phúc trên 40 lao động… Đối với các đơn vị này, xã Trung Thành luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, thường xuyên phối hợp giới thiệu, đào tạo nghề cho các lao động phù hợp với điều kiện địa phương. Ngoài ra, xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các thủ tục, hỗ trợ để người lao động kịp thời nộp hồ sơ, tạo điều kiện cho hàng chục lao động vào làm việc tại Nhà máy điện tử Samsung Thái Nguyên (SEVT).

 

Bên cạnh việc giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp, xã Trung Thành cũng đang đẩy mạnh phát triển các ngành nghề để tạo thêm công việc, nâng cao thu nhập cho người dân. Đối với nông nghiệp, xã chú trọng chuyển đổi sang các loại cây trồng cho thu nhập cao trên một đơn vị diện tích như: trồng hoa, khoai lang, rau các loại…, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại. Đối với công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xã quan tâm khôi phục một số nghề truyền thống và khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình ngành nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập như: chế biến nông - lâm sản, sửa chữa xe máy, điện dân dụng, gò hàn, may công nghiệp, thêu ren, xây dựng…

 

Hiện nay, trên địa bàn xã có mô hình trồng hoa với tổng diện tích 5.400m2 do 14 hộ dân xóm Thanh Hoa thực hiện từ năm 2011 mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ước tính, mỗi sào hoa ly cho thu lãi trung bình 38 triệu đồng; hoa loa kèn 20 triệu đồng/sào và hoa cúc 12 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Làng nghề gỗ mỹ nghệ Cẩm Trà cũng được xã quan tâm phát triển. Cẩm Trà đang có 2 hợp tác xã chế biến, kinh doanh lâm sản là Trà Thị và Cẩm Trà và 280/287 hộ tham gia sản xuất đồ mộc với các sản phẩm chủ yếu là: con tiện, cửa, cầu thang… tạo việc làm ổn định cho 700 lao động với mức thu nhập 3,2 triệu đồng/người/tháng. HTX Thêu may xuất khẩu Trung Thành được thành lập tháng 8-2011 vẫn duy trì hoạt động, sản xuất tạo việc làm cho một số xã viên trong thời gian rảnh rỗi.

 

Ngoài ra, xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể đứng ra tín chấp từ các Ngân hàng: Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Chính sách - Xã hội giúp các đơn vị, cá nhân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Đến nay, các đơn vị, cá nhân trong xã đã vay trên 9 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách - Xã hội để tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế. Cùng đó, xã còn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, giấy tờ cho hơn 650 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với đủ các loại mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Năm 2013, các cơ sở này đã duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đạt 8,7 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

 

Từ những cách làm trên, 4 năm gần đây, mỗi năm xã Trung Thành giải quyết việc làm cho trên 500 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động có việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân trong xã. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 50 triệu đồng/người/năm cao hơn 25 triệu đồng/người/năm so với năm 2010; cơ cấu kinh tế của xã cũng chuyển biến tích cực: công nghiệp, xây dựng chiếm 67%, dịch vụ 27%, nông lâm thủy sản 6%.