Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông

16:51, 17/04/2014

Những năm qua, T.P Thái Nguyên đã tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông, góp phần phục vụ việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân. Đặc biệt, diện mạo đô thị thành phố cũng thêm sạch đẹp, văn minh hơn...

Hạ tầng giao thông đô thị được cải thiện

 

Từ năm 2009 đến nay, thông qua các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh, ngân sách Thành phố và huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, T.P Thái Nguyên đã bố trí hàng trăm tỷ đồng để mở rộng, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường. Đơn cử như năm 2010, để được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thành phố dành trên 80 tỷ đồng đầu tư nâng cấp cải tạo một số tuyến đường trọng điểm như: Lương Ngọc Quyến, Cách mạng Tháng Tám, Minh Cầu, Bến Tượng, Bắc Kạn, Phú Thái, Quang Trung, Minh Cầu kéo dài nối với đường Phù Liễn... Tiếp đó, Thành phố đã triển khai nhiều dự án làm mới, nâng cấp, mở rộng thêm một số tuyến đường quan trọng khác như: Tân Thành, Quan Triều, Xuân Hòa, đường Z115, Bắc Sơn, Xuân Hoà...

 

Hiện, ngoài các trục Quốc lộ 3 cũ và Quốc lộ 3 mới, đường tỉnh 262, 267, 270 chạy qua, T.P Thái Nguyên đã có trên 126 km đường đô thị, trong đó đường nhựa là gần 90km, trên 36 km đường bê tông. Cùng với đó, hàng trăm kilômét đường điện đảm bảo 100% các đường phố chính và nhiều đường dân sinh ở các khu dân cư được chiếu sáng, góp phần làm cho thành phố càng rực rỡ hơn về đêm. Ngoài ra, thành phố còn có khoảng 18ha cây xanh, tương đương với mật độ che phủ 20%, được bố trí hài hòa vừa tạo bóng mát, vừa làm đẹp cảnh quan đô thị.

 

Bà Ngô Thị Yến, một người dân ở tổ 23, phường Quang Trung cho biết: Trước kia, tuyến đường nối từ ngã tư Đồng Quang vào ga Thái Nguyên nhỏ hẹp, lượng xe cộ đi lại rất đông nên hay xảy ra hiện tượng bị ùn tắc. Nhưng từ năm 2012 trở lại đây, khi việc nâng cấp mở rộng tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng, tình trạng này đã được giải quyết, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cũng giảm đáng kể. Đặc biệt, tuyến đường mới này còn góp phần làm cho diện mạo phố phường đẹp hơn...

 

Coi trọng phát triển giao thông nông thôn

 

Song song với việc đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông đô thị, thành phố cũng rất coi trọng phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Theo số liệu của Phòng Tài chính - Kế hoạch, từ năm 2009 đến nay, thành phố đã dành khoảng 100 tỷ đồng xây dựng đường giao thông nông thôn. Đến nay, trong tổng số gần 500km đường giao thông nông thôn thì đã có trên 400km đã được cứng hóa cùng với hàng loạt hệ thống cống, rãnh thoát nước dọc các trục đường. Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn ở các xã trên địa bàn thành phố đã có sự đổi thay rõ rệt, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn. Đồng chí Trịnh Văn Xuyên, Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu cho biết: Khoảng 10 năm trước, các tuyến đường trên địa bàn xã chủ yếu là đường đất, việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Song, hiện nay gần như toàn bộ các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã đã được bê-tông hóa, đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân...

 

Giao thông được đầu tư quan tâm không chỉ giúp cho việc đi lại của người dân được thuận lợi mà hoạt động giao thương hàng hóa giữa các xóm, xã cũng trở nên sầm uất hơn. Giá cước vận chuyển cũng giảm, người nông dân đã tiết kiệm được chi phí sản xuất hơn. Anh Đặng Đức Nhuận, ở xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu cho biết: khoảng 2 năm trở về trước, đường xóm tôi vừa nhỏ, hẹp, vừa bị trơn trượt và lầy lội vào mùa mưa. Việc vận chuyển phân bón về nhà hoặc đem các sản phẩm chè của bà con ra các chợ bán gặp rất nhiều khó khăn. Các thương láivào mua chè thường đưa ra lý do đường khó khăn nên đã mua với giá thấp hơn nhiều so với giá bán ở tại trung tâm xã. Từ năm 2012, khi có con đường bê tông dài hơn 1km chạy qua 2 xóm Đồi Chè và Đá Dựng thì việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của chúng tôi thuận lợi hơn rất nhiều. Các loại hàng hóa của bà con, nhất là chè đã đỡ bị tư thương vào ép giá...

 

Không chỉ riêng ở Phúc Trìu, đến một số xã khác trên địa bàn thành phố như: Phúc Xuân, Tân Cương, Quyết Thắng, Đồng Bẩm, chúng tôi cũng nhận thấy hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên xóm đều đã được mở rộng và đổ bê tông. Đây là kết quả từ sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong phong trào làm đường giao thông nông thôn. Để đẩy mạnh phong trào này, UBND thành phố đã có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ rất thiết thực. Cụ thể, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", thành phố đã hỗ trợ 100% chi phí tư vấn lập dự án báo cáo kinh tế kỹ thuật, thẩm định dự toán, quyết toán công trình, 60% (đối với phường) và 70% (đối với xã) chi phí xây dựng công trình (không tính chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng).

 

Cùng với đó, UBND các xã, phường đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất để làm đường. Do chủ trương làm đường bê tông nông thôn hợp với lòng dân nên việc vận động nhân dân hiến đất làm đường đã nhận được sự đồng thuận cao. Đơn cử như năm 2013, các xã đã vận động nhân dân tự giải phóng mặt bằng không nhận hỗ trợ bồi thường được gần 4.000m2 đất để làm đường giao thông...

 

Đồng chí Mai Trọng Tấn, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch cho biết: Năm 2014, thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để đầu tư xây dựng đường bê tông liên xã, liên tổ, liên phường để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Những năm tới, với việc triển khai các hạng mục công trình thuộc nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, kết cấu hạ tầng giao thông T.P Thái Nguyên ngày càng được hoàn thiện...