Điện cho Khu công nghiệp Điềm Thụy: Cần tập trung tháo gỡ

14:11, 22/05/2014

Cùng với công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng thì việc triển khai phương án cấp điện cho Khu công nghiệp (KCN) Điềm Thụy cũng đang là vấn đề cấp bách hiện nay, đòi hỏi các cơ quan liên quan khẩn trương giải quyết, nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho các dự án sản xuất công nghiệp tại đây. 

Đến nay, KCN Điềm Thụy (thuộc 2 huyện Phổ Yên và Phú Bình, có tổng diện tích quy hoạch 350ha) đã thu hút được 28 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 300 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng), chủ yếu là dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - dự án FDI sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho Tổ hợp Công nghệ cao Samsung Thái Nguyên.

 

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã tiến hành xây dựng nhà xưởng một cách khẩn trương nhằm sớm đi vào sản xuất, bắt kịp tiến độ theo yêu cầu của Tập đoàn Samsung, đến cuối tháng 5 này đã có gần 10 dự án cơ bản hoàn thiện xây dựng hạ tầng. Vì thế, cùng với các hạ tầng thiết yếu khác thì vấn đề triển khai phương án cấp điện sản xuất cho các dự án tại KCN này đang thực sự cấp bách.

 

Anh Trịnh Đình Khương, đại diện Công ty TNHH Young - Jin Hitech (vốn Hàn Quốc) phản ánh: Chỉ trong vòng hơn 2 tháng, chúng tôi đã xây dựng hoàn thiện cơ bản nhà xưởng theo kế hoạch, việc tuyển lao động cũng không có vấn đề gì đáng ngại. Tuy nhiên Công ty chưa thể bắt đầu sản xuất vì chưa được cung cấp nguồn điện đảm bảo. Chúng tôi đã một số lần đề nghị chủ đầu tư hạ tầng và ngành Điện nhưng hiện vẫn đang trong quá trình chờ đợi. Công ty rất mong sớm được đáp ứng nhu cầu về điện để có thể bắt đầu sản xuất.

 

Tìm hiểu vấn đề, chúng tôi được biết, theo Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020 do Bộ Công Thương phê duyệt thì sẽ có 1 trạm biến áp (TBA) công suất 2x40 MVA được xây dựng tại khu vực xã Điềm Thụy (Phú Bình) và đưa vào vận hành trong năm nay, nhưng vẫn chưa được triển khai. Tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã có  Công văn đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm xây dựng TBA Phú Bình để kịp thời đáp ứng nhu cầu điện sản xuất tại KCN Điềm Thụy.

 

Theo dự báo thì tổng nhu cầu điện tại KCN Điềm Thụy khi hoạt động ổn định vào khoảng 40MVA và ngay thời gian tới đã cần khoảng 20MVA. Trước mắt khi chưa lắp đặt TBA Phú Bình, ngày 13-5, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã giao Công ty Điện lực Thái Nguyên đầu tư đường dây mạch kép dài gần 4km lấy nguồn từ TBA Yên Bình I. Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương điều chỉnh quy hoạch, đẩy tiến độ lắp máy biến áp T3 - TBA Yên Bình I từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2014-2015.

 

Theo ông Dương Thái Sơn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên thì hiện tại việc triển khai phương án cấp điện sản xuất cho các KCN trên địa bàn, nhất là KCN Điềm Thụy và Yên Bình là một ưu tiên quan trọng của ngành. Công ty đã bắt đầu triển khai và phấn đấu hoàn thành lắp đặt đường dây kéo điện từ TBA Yên Bình phục vụ điện sản xuất cho các nhà máy ở Điềm Thụy trong thời gian sớm nhất có thể. Cùng với đó, Công ty đã chủ động và đã cơ bản hoàn thiện lắp đặt đường dây cáp ngầm trục chính đến hàng rào các doanh nghiệp thứ cấp, sẵn sàng đấu nối khi có nguồn điện. Trước đó với hạ tầng lưới điện hiện có, Điện lực Thái Nguyên đã và vẫn tiếp tục nâng cấp nhằm cấp điện cho các dự án trong quá trình xây dựng.

 

Cũng về vấn đề này, ông Phan Mạnh Cường, Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh cho biết: Trong tháng 6 tới sẽ có khoảng từ 6 đến 7 nhà máy tại KCN Điềm Thụy đi vào sản xuất và thêm một số doanh nghiệp khác khởi công xây dựng nên việc cấp điện càng cấp bách. Mới đây, chúng tôi tiếp tục có những cuộc làm việc với ngành Điện, thống nhất và đề nghị khẩn trương triển khai phương án cả trước mắt và lâu dài để cấp điện sản xuất theo nhu cầu của các doanh nghiệp. Về phần mình với trách nhiệm của chủ đầu tư hạ tầng, cùng với quá trình nâng cấp lưới điện trung thế của Công ty Điện lực Thái Nguyên, Ban đã đầu tư một TBA 0,4KVA và đang sẵn sàng hạ đặt. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương giải phóng xong mặt bằng phục vụ việc lắp đặt TBA Phú Bình (dự kiến đầu tư xong vào tháng 12 năm nay). Chúng tôi đã đề nghị Công ty Điện lực Thái Nguyên tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký xin cấp điện…

 

Thời gian gần đây tại một số địa phương phát triển “nóng” về công nghiệp đã xảy ra tình trạng thiếu điện sản xuất cục bộ, do ngành Điện không kịp “đuổi theo” khi nhu cầu tăng đột biến. Đó có thể coi là bài học hữu ích đối với tỉnh ta trong giai đoạn hiện nay, khi công nghiệp trên địa bàn bắt đầu “tăng tốc”, như những gì đang diễn ra tại KCN Điềm Thụy đã nêu. Ông Phan Mạnh Cường cho rằng, công tác quy hoạch, dự báo chính xác nhu cầu là tối cần thiết, trong khi cần nỗ lực xử lý tình thế trước mắt.