Cần tiếp tục đổi mới thủ tục thuế

08:07, 20/06/2014

Trong thời gian qua, những nỗ lực đổi mới của ngành thuế đã được các doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại trong quá trình triển khai, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện.  

Có lợi hơn cho người nộp thuế

 

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý thuế của Việt Nam cũng như phù hợp hơn với các chuẩn mực, thông lệ và cam kết quốc tế, góp phần tăng cường quản lý, giám sát công tác quản lý thuế, đồng thời đảm bảo lợi ích quốc gia về quyền thu thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với đất nước, ngày 20/11/2012, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH12, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Theo đó, về quản lý thuế có nhiều nội dung được bổ sung sửa đổi theo hướng có lợi cho người nộp thuế, như: giảm tần suất kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ tháng sang quý cho các nhóm đối tượng: cơ sở kinh doanh có doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm, có mỗi tờ khai thuế TNCN dưới 50 triệu đồng/tháng. Rút ngắn thời gian hoàn thuế GTGT đối với những trường hợp hoàn thuế trước kiểm tra sau từ 15 ngày xuống còn 6 ngày và đối với trường hợp kiểm tra trước khi hoàn thuế sau từ 60 ngày xuống 40 ngày.

 

Về chính sách thu cũng được sửa đổi bổ sung theo hướng giảm tỷ lệ điều tiết thuế và từng bước nới rộng chi phí được trừ khi tính thuế như, từ ngày 01/01/2014, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) giảm từ 25% xuống 22% và đến 01/01/2016 giảm tiếp còn 20%. Riêng doanh nghiệp có doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm giảm từ 25% xuống 20% và đến 01/01/2016 giảm tiếp còn 17%. Chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới… đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp tuy chưa bỏ mức khống chế theo kiến nghị của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng cũng đã nâng từ mức 10% lên mức 15% tổng số chi phí được trừ khi tính thuế TNDN cho hạch toán các khoản chi cho bảo hiểm không bắt buộc, mang tính an sinh xã hội cho người lao động là 12 triệu đồng/người/năm.

 

Đặc biệt, ưu đãi thuế TNDN được bổ sung thêm cả về địa bàn và lĩnh vực đầu tư, kể cả đầu tư mở rộng. Thuế TNCN cũng có nhiều cải thiện do Luật sửa đổi điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc… Thuế GTGT đã bỏ khống chế thời gian khai bổ sung thuế GTGT đầu vào là 6 tháng mà cho phép doanh nghiệp được khai bổ sung bất cứ thời điểm nào miễn là trước khi cơ quan thuế kiểm tra, thanh tra tại trụ sở.

 

Bên cạnh đó, các hóa đơn thanh toán trả chậm vào một lần/năm vào tờ khai tháng 12 thay vì điều chỉnh nhiều lần và tính tiền chậm nộp, nếu không điều chỉnh kịp thời như trước đây đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Cùng với việc sửa đổi hệ thống chính sách, quản lý thuế, cơ sở hạ tầng truyền thông, cơ sở dữ liệu ... phục vụ cho khai thuế điện tử, quản lý thuế theo cơ chế rủi ro cũng được tiến triển nhanh. Triển khai chiến lược cải cách hệ thống thuế trong đó xác định những giá trị mà ngành thuế luôn coi trọng, xây dựng và gìn giữ lâu dài đó là “minh bạch - chuyên nghiệp - liêm chính và đổi mới” nhằm bảo đảm việc minh bạch chính sách thuế, minh bạch công tác quản lý thuế; Công khai đầy đủ, rõ ràng tất cả thủ tục hành chính thuế từ Trung ương đến địa phương; Luôn luôn bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.

 

Như vậy, về góc độ chính sách, quan điểm, mục tiêu, biện pháp đã thể hiện quyết tâm cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế ở tất cả mọi phương diện nhằm hướng đến phục vụ người nộp thuế.

 

Một số khó khăn cần sớm tháo gỡ

 

Bên cạnh những nỗ lực mà ngành thuế đã và đang triển khai thời gian qua, công tác này cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế đã chỉ ra 5 khó khăn đặt ra trong cải cách thủ tục thuế hiện nay.

 

Thứ nhất, việc ban hành văn bản pháp quy thực hiện thiếu sự thống nhất. Rõ ràng khó thực hiện và có thể nói là chưa đạt yêu cầu mà lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế Tống cục Hải quan đề ra là: rõ ràng, minh bạch, hiệu quả: như quy định hóa đơn chứng từ để kê khai khấu trừ, hoàn thuế GTGT; các chi phí được trừ hay không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN.

 

Thứ hai, một số văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật thuế ban hành chậm hơn so với hiệu lực thi hành dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

 

Thứ ba, việc ứng dụng thông tin trong ngành thuế, hải quan tuy đã được thực hiện tốt, nhưng do điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng hệ thống truyền thông chưa đảm bảo nên gây nghẽn mạng trong thời gian kê khai thuế. Đối với công tác thông quan còn có trường hợp thiếu đồng bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin, khai thuế điện tử dẫn đến hàng hóa bị ách tắc.

 

Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp còn chồng chéo, doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, kiểm tra của nhiều cơ quan như: cơ quan thuế, thanh tra tài chính, thanh tra chính phủ, kiểm toán nhà nước... Công tác thanh tra, kiểm tra là cần thiết và phải tiến hành, nhất là theo phương thức nộp thuế theo cơ chế; tự khai, tự tính, tự nộp. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra nên tránh chồng chéo về nội dung, thời gian…

 

Thứ năm, về văn hóa ứng xử của cán bộ viên chức. Nếu chúng ta cố gắng cải cách chính sách cải cách quản lý, nhưng con người thực hiện chưa thay đổi kịp tư duy thì thật khó có thể cải cách thành công.

 

Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu trong năm 2014 - 2015 cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế, rút ngắn thời gian doanh nghiệp hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN (171 giờ/năm) thay vì mức 876 giờ như hiện nay. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, theo bà Cúc, trước hết cần từng bước khắc phục những tồn tại hiện tại doanh nghiệp, người nộp thuế đang đối mặt như đã nêu.

 

Bên cạnh đó, theo nhận định của các chuyên gia cần phát triển hệ thống đại lý thuế theo hướng: Đẩy mạnh việc xã hội hoá hoạt động hỗ trợ người nộp thuế tạo tiền đề nhằm tăng dần số lượng đại lý thuế và nâng cao chất lượng dịch vụ do đại lý thuế cung cấp; mở rộng, đa dạng hoá dịch vụ của đại lý thuế. Xây dựng hệ thống đại lý thuế thực sự trở thành cầu nối giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế giảm chi phí về thời gian, nguồn lực cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế thực thi pháp luật thuế góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.

 

Ngoài ra cần tăng cường công tác đối thoại giữa doanh nghiệp với các cơ quan thuế về những khó khăn, vướng mắc để xử lý kịp thời. Đồng thời Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tích cực tham gia, phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế để phản ánh với cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ kịp thời.