Chấn chỉnh hoạt động chế biến, kinh doanh lâm sản

15:05, 14/06/2014

Trong những năm qua, các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản ở huyện Định Hóa xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần đáng kể tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, do chưa thực sự chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát nên hoạt động ở các cơ sở này đã bộc lộ nhiều sai phạm...

Hiện nay, huyện Định Hóa có hơn 300 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh lâm sản. Các cơ sở này đã góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động ở nông thôn với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Nghề chế biến lâm sản không chỉ làm thay đổi nhận thức về trồng rừng của người dân mà còn làm cho giá trị rừng sản xuất được tăng lên.

 

Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở này đã bộc lộ nhiều sai phạm trong hoạt động chế biến và kinh doanh. Khảo sát thực tế các cơ sở chế biến lâm sản ở một số xã như: Trung Hội, Phú Tiến, Trung Lương, Phượng Tiến, Phúc Chu..., chúng tôi nhận thấy hầu hết các cơ sở đều không treo biển hiệu kinh doanh, không có thủ tục cũng như thực hiện đúng các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Đặc biệt, hệ thống điện sử dụng trong quá trình vận hành máy móc, dùng để chiếu sáng chưa an toàn, cộng với việc thắp hương thờ cúng ngay trong nhà xưởng sát với vật liệu dễ cháy. Một số cơ sở còn làm nhà xưởng vào hành lang lưới điện, xây dựng tạm bợ khung bằng gỗ, lợp mái bằng lá cọ đã xuống cấp... Đó là những nguy cơ gây rất dễ dẫn đến chập cháy nhà xưởng bất cứ lúc nào. Việc đốt rác (vỏ cây, mùn cưa, sản phẩm hỏng…) ở ngay cạnh xưởng sản xuất không những phát sinh ra nhiều khói bụi ảnh hưởng đến môi trường khu dân cư mà còn có thể gây ra hỏa hoạn.

 

Ông Lèo Đức Dung, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Định Hóa cho biết thêm: Vừa qua, UBND huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động chế biến, kinh doanh của 66 có sở thì phát hiện hầu hết các cơ sở đều sử dụng đất sai mục đích, đại đa số sử dụng đất vườn, đất đồi để xây dựng nhà xưởng, khu tập kết nguyên liệu cũng như sản phẩm làm ra. Một số cơ sở không có mặt bằng để xây dựng xưởng phải thuê đất của các cá nhân, hộ gia đình khác nhưng đa phần là không có hợp đồng thuê đất rõ ràng hoặc nếu có cũng chỉ là giấy tờ viết tay thỏa thuận giữa hai bên với nhau không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Thêm vào đó, hầu hết các cơ sở kinh doanh không giao kết hợp đồng lao động với người lao động, nếu ký thì lại chưa điền đầy đủ thông tin và thường không đóng bảo hiểm cho người lao động đối với hợp đồng dài hạn (trên 3 tháng). Nhiều cơ sở cũng chưa có biển cảnh báo nguy hiểm, nội quy làm việc, nội quy vận hành máy móc, trang bị bảo hộ lao động, các xưởng máy bóc đều tháo các thiết bị che chắn của máy gây mất an toàn cho người lao động...

 

Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy nguyên nhân chính dẫn đến những sai phạm trên là do các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản mới chỉ quan tâm đến thủ tục hành chính về chế biến, kinh doanh, phần lớn chưa hiểu biết về các quy định bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo hoạt động bền vững. Tháng 6-2013, khi nhận thấy anh em, bạn bè mở xưởng chế biến gỗ đem lại thu nhập kinh tế khá, anh Nguyễn Quang Tọa, ở xóm Trung Kiên, xã Trung Lương cũng đã mạnh dạn đầu tư mua máy móc, xây dựng xưởng gỗ băm rộng hơn 1.000m2. Mặc dù đã có ý thức làm các thủ tục đăng ký kinh doanh, tự trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy nhưng khi Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện kiểm tra, xưởng của anh vẫn vi phạm về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Anh Tọa cho biết: Khi mở xưởng, chúng tôi cũng biết rằng cần phải trang bị bình chữa cháy, nội quy phòng cháy chữa cháy đặt ngay tại xưởng. Song, chúng tôi cũng không biết rằng như vậy vẫn chưa đáp ứng đúng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy do chưa có phương án phòng cháy chữa cháy do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...

 

Qua kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện cho thấy trường hợp vi phạm như anh Tọa là phổ biến. Điều này cho thấy các cơ sở này đã có ý thức thực hiện phòng cháy chữa cháy nhằm bảo vệ tài sản, song do hiểu biết chưa đầy đủ nên đã chưa đúng quy trình, quy định; việc kiểm tra, quản lý hoạt động của các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản chưa được các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương chú trọng.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm đưa các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản đi vào hoạt động có nề nếp, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Trước tiên, huyện sẽ tập trung chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, tổ chức các lớp tập huấn cho các cơ sở về lao động, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Đối với những cơ sở sản xuất theo thời vụ, không hoạt động quá 6 tháng, hoạt động với quy mô nhỏ không có hiệu quả, không chấp hành các quy định của Nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng thì sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh...