Được xác định là thế mạnh của Việt Nam, 5 tháng đầu năm, mặc dù sản xuất một số mặt hàng trong nước như lúa gạo, thủy sản… có xu hướng tăng. Tuy nhiên, do sức tiêu thụ yếu của một số thị trường nhập khẩu nên đã khiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Thách thức trong quá trình hội nhập
Trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên với những nỗ lực của Chính phủ, các Hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh sản xuất, đầu tư, xuất khẩu, mở rộng thị trường…, hoạt động sản xuất, xuất khẩu các nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng nông lâm thủy sản của cả nước đạt 8,92 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm tỷ trọng 15,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Trong đó các mặt hàng nông sản là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như cà phê, hạt điều, hạt tiêu đều có mức tăng lần lượt là 31,3%, 47,7% và 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, dự kiến các nhóm hàng nông, thủy sản có thể đạt mức xuất khẩu 21 tỷ USD trong năm 2014, tăng 5,8% so với năm 2013.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang phải đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc như công tác quy hoạch vùng nguyên nhiên liệu cho sản xuất hiện nay của nhóm hàng thuỷ sản trong nước hiện chỉ đáp ứng 70-75% nhu cầu chế biến xuất khẩu; tỷ lệ chế biến sâu còn thấp; giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu cũng chưa được như mong muốn…
Đơn cử như ngành cao su hiện nay của Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về sản lượng và chỉ đứng sau Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng về năng suất, diện tích sản xuất, sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đã dẫn đến tình trạng tồn kho, giá cao su giảm mạnh. Hay như ngành xuất khẩu thủy sản trong những năm qua đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao về cả sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu, năm 2013 đã xuất khẩu được trên 6,7 tỉ USD và có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế nhưng, khi xuất khẩu tăng thì cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại, kỹ thuật, các thị trường nhập khẩu cũng yêu cầu ngày càng khắt khe hơn khiến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm, cá tra gặp không ít khó khăn.
Đối với các doanh nghiệp, bên cạnh việc phải đối mặt với tình hình dịch bệnh, thiên tai, các rào cản về thuế quan và phi thuế quan tại nhiều thị truờng trên thế giới cũng đang gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và ngành thủy sản nói chung.
Tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu
Nhận diện rõ những cơ hội và thách thức phải đương đầu trong thời gian tới, liên Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam muốn phát triển không thể thiếu được hoạt động xuất, nhập khẩu. Do đó việc khai thông và chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu là yếu tố tiên quyết tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.
Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, do áp lực cạnh tranh cao, nhiều quốc gia, nền kinh tế có xu hướng quay trở lại bảo hộ mậu dịch, tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật khiến cho việc mở rộng thị trường đã khó thì việc duy trì các thị trường chính, truyền thống lại càng khó hơn. Do đó, hai Bộ thống nhất trong thời gian tới, cần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu trong nông nghiệp, phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản.
Đồng thời tăng cường mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn tài trợ nước ngoài; xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả xuất khẩu; rà soát nhu cầu tiêu dùng nông sản, thủy sản tại các thị trường, cơ chế và chính sách nhập khẩu của các nước; tích cực đàm phán, mở rộng thị trường cho xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam.
Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, cần tập trung giải quyết vấn đề vốn và lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản. Đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng để đảm bảo vốn đến đúng địa chỉ cần thiết. Tăng cường vai trò của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn và lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản.