Khẳng định vị trí, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân

10:07, 21/06/2014

Doanh nghiệp (DN), doanh nhân đã và sẽ là lực lượng xung kích, có vai trò rất quan trọng trên mặt trận kinh tế. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, DN và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước” - Khoản 3, Điều 51.

Trong lịch sử lập pháp của nước ta, đây là lần đầu tiên các vấn đề về quyền đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN, doanh nhân được hiến định. Không những vậy, Hiến pháp năm 2013 còn đưa ra các quy định rộng mở và thông thoáng để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các DN, doanh nhân thực hiện các quyền kinh tế của mình. Chẳng hạn, tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa (Khoản 3, Điều 51); các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật (Khoản 1, Điều 53); Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường (Điều 52). Và quan trọng nhất là Hiến pháp đã khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Theo ý kiến của các chuyên gia lập pháp và một số doanh nhân thì những quy định về quyền kinh tế, về DN, doanh nhân trong Hiến pháp năm 2013 là “cú hích” pháp lý quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập và phát triển. Đó là cơ sở hiến định để các luật mới ban hành hoặc sửa đổi sẽ phải chú ý tới vị trí của doanh nhân, quy định rõ hơn vai trò, quyền lợi, trách nhiệm và tạo điều kiện cho họ thực hiện tốt sứ mệnh của mình. Điều này sẽ góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Ông Hoàng Hữu Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp T.P Thái Nguyên cho rằng: Với những quy định trong Hiến pháp năm 2013, các DN, doanh nhân thực sự cảm thấy yên tâm khi đầu tư sản xuất, kinh doanh, làm giầu cho chính mình và cho đất nước. Bởi quyền lợi hợp pháp được pháp luật bảo hộ, vai trò, vị trí của DN, doanh nhân đã được khẳng định.

 

Theo ông Đinh Xuân Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh thì những quy định trong Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lĩnh vực kinh tế, trong đó có DN, doanh nhân không những thể hiện sự quan tâm tạo điều kiện mà còn là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước, của xã hội đối với những đóng góp ngày càng lớn của đội ngũ này. Để đảm bảo thực thi hiệu quả các quy định trong Hiến pháp năm 2013, Nhà nước cần có chính sách hạn chế những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, bảo vệ các DN nhỏ, DN tư nhân vốn ở thế yếu và dễ bị tổn thương trước những rủi ro, biến động của kinh tế thị trường…

 

Ông Đinh Xuân Hải cho biết: Bản thân tôi sẽ chủ động tìm hiểu Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan. Về phía hoạt động Hội, thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị riêng hoặc lồng ghép để tuyên truyền, phổ biến tới các hội viên những quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến DN, doanh nhân. Qua đó nhằm hiểu đúng và tuân thủ pháp luật trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi nhận thức rằng, DN luôn phải tự nỗ lực vươn lên, liên tục đổi mới và sáng tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hội nhập ngày càng sâu rộng.

 

Ngoài việc mong muốn những quy định trong Hiến pháp năm 2013 liên quan đến DN, doanh nhân sớm được cụ thể hóa và triển khai hiệu quả, ông Hoàng Hữu Sơn bày tỏ: Là một doanh nhân, tôi mong muốn chính quyền và các cơ quan chức năng luôn đồng hành, thân thiện hơn nữa với DN; coi trọng công tác cải cách hành chính, nhất là ở cấp cơ sở. Tôi rất đồng tình với ý kiến của lãnh đạo một tỉnh, đại ý: DN không phải là đối tượng kiểm tra mà là đối tượng phục vụ của chính quyền… Những điều đó phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và là những thứ mà DN luôn rất cần.