Làm lợi cho người sử dụng máy nông nghiệp

11:02, 21/06/2014

Luôn tìm tòi và có nhiều ý tưởng cải tạo các loại máy nông nghiệp, mang lại lợi ích cho người dân là sở thích của anh Đồng Văn Phương, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Cường Đại (có địa chỉ tại xóm Ấm, xã Hồng Tiến, Phổ Yên). Anh là đại biểu duy nhất được Liên đoàn Lao động huyện đề nghị tuyên dương, khen thưởng là công nhân viên chức, lao động tiêu biểu giai đoạn 2008-2013.

Chúng tôi đến Công ty TNHH Cường Đại (chuyên kinh doanh mặt hàng sắt thép chính phẩm, phụ kiện máy nông nghiệp, đúng lúc anh Đồng Văn Phương cùng công nhân đang lắp ráp máy cày cầm tay cho khách. Dáng người đậm, nước da ngăm đen, vừa làm, anh vừa tư vấn: Bác cần lắp buli (vòng sắt có rãnh nhỏ gắn liền với bánh đà để truyền lực) to hơn bình thường cho máy chạy nhanh, khỏe và ít tốn nguyên liệu.

 

Người được tư vấn là ông Nguyễn Văn Luyến, xóm Ba Hà Vụ, xã Vạn Phái cho biết: Nghe nhiều người đã mua máy nông nghiệp ở đây nhận xét chất lượng sản phẩm và thái độ phục vụ khách hàng tốt nên hôm nay tôi đến để mua một chiếc máy cày nhãn hiệu Bông sen giá gần 8 triệu đồng. Sau khi mua, được anh Phương  tư vấn nhiệt tình, chu đáo, tôi đã nhất trí lắp buli to để hiệu quả sử dụng tốt hơn.

 

Việc lắp buli loại to hơn thay thế buli vốn có ở máy cày, để máy chạy khoẻ, nhanh hơn của anh Phương đã được áp dụng vài năm nay. Nói về sáng kiến này, anh cho biết: Thường thì các loại máy cày Công ty sản xuất đại trà nên khi hoạt động ở cánh đồng vùng trung du như Thái Nguyên người cày phải dùng nhiều lực để điều khiển và giữ thăng bằng. Sau khi mày mò tìm hiểu, phát hiện nguyên nhân và thử lắp buli to, thay dây curoa dài hơn để máy cân bằng, giảm sức nặng cho người điều khiển, kể cả phụ nữ cũng có thể sử dụng.

 

Anh Phương chỉ cho tôi chiếc máy phay đất ở bên cạnh, nói tiếp: Loại máy này cũng vậy, do người dân khi gặt không cắt gốc rạ nên máy vừa phải băm, xới tơi gốc rạ và làm nhuyễn đất nên rất hay mòn lưỡi phay và dễ bị gẫy trục. Vì thế tôi đã lắp thêm 2 vòng bi vào đầu trục phay và thấy máy chạy khoẻ hơn, tăng độ bền của trục. Kinh phí mua lắp thêm vòng bi cũng không đáng kể (từ 200-600 nghìn đồng/2 vòng, tùy loại) nên hiện nay có rất nhiều hộ nông dân khi mua máy được tư vấn đã chọn sản phẩm này).

 

Sinh năm 1988 ở xóm Diện, xã Hồng Tiến, từ nhỏ, anh Phương đã cùng bố mẹ làm công việc đồng áng nên thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Năm 2005, hoàn thành khóa học cơ khí chế tạo tại Trường Cao đẳng Luyện kim, anh xin vào Xưởng sản xuất máy nông nghiệp Cường Đại làm việc. Chịu khó mày mò và ham học hỏi nên dần dần, anh đã có tay nghề vững về các loại máy nông nghiệp. Năm 2006, Công ty TNHH Cường Đại thành lập, anh được tuyển vào làm ở vị trí Tổ trưởng Tổ cơ khí. Khi Công ty mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, làm đại lý cấp 1 của Công ty TNHH 1 thành viên Máy kéo và Máy nông nghiệp, lãnh đạo Công ty tin tưởng giao cho anh phụ trách mảng kỹ thuật máy nông nghiệp của đơn vị. Nhiệm vụ chính của anh là lắp ráp, sửa chữa, tư vấn kỹ thuật và bảo hành, bảo dưỡng máy sau bán hàng.

 

3 năm trở lại đây, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, Công ty TNHH Cường Đại đã thực hiện nhiều dự án bàn giao máy nông nghiệp tại các huyện trên địa bàn tỉnh như: Đại Từ, Phú Bình, Đồng Hỷ, Phổ Yên và một số tỉnh như: Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Cao Bằng… Tham gia vào những chuyến đi đó, anh nắm được nhu cầu, cũng như vướng mắc của nông dân, nhất là người dân vùng cao khi sử dụng máy nông nghiệp cầm tay. Bởi vậy, từ 2011 đến nay, anh Phương đã có 5 sáng kiến cải tiến kỹ thuật các loại máy nông nghiệp - chủ yếu cho máy cày cầm tay (làm lợi cho Công ty khoảng 150 triệu đồng). Những cải tiến đó đều được lãnh đạo Công ty ghi nhận, biểu dương và người nông dân tin tưởng, ứng dụng thành công trong thực tiễn.

 

Điển hình như việc cải tiến bánh lồng của máy cày. Thực tế sử dụng, anh Phương thấy những nan thép tấm của bánh lồng dễ bị cong, vênh, gãy, nhất là lúc di chuyển đến các cánh đồng. Sau nhiều ngày nghiên cứu, anh đã hàn thêm phía dưới mỗi nan thép một đoạn thép vuông loại 10mm. Thử nghiệm trên máy cày của gia đình, anh thấy máy di chuyển dễ dàng trên các địa hình, độ bền của động cơ cũng được tăng lên. Từ đó, anh đề xuất và được Ban lãnh đạo Công ty cho ứng dụng vào thực tế. Với sáng kiến này, trung bình khoảng 2 năm, người sử dụng mới phải đi hàn, sửa chữa bánh lồng (trong khi trước đây mỗi năm mất 1-2 lần sửa chữa, bảo dưỡng máy).

 

Ông Nguyễn Văn Thuyết, xóm Hiệp Đồng, xã Hồng Tiến là người sử dụng máy cày ngồi lái làm dịch vụ được 5 năm nhận xét: Khi hàn thêm thanh thép vuông loại 10mm, tôi thấy bánh lồng khoẻ, điều khiển máy đi từ ruộng nọ sang ruộng kia nhanh hơn, ít khi phải sửa chữa.

 

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Cường Đại nhận xét: Là Tổ trưởng Tổ cơ khí (phụ trách 13 công nhân), anh Phương luôn nhiệt tình hướng dẫn các cán bộ kỹ thuật, công nhân hoàn thành tốt công việc được giao. Năm 2013, do có thành tích xuất sắc trong công việc, anh đã được Công ty thưởng 5 triệu đồng và nâng lương 1 bậc trước thời hạn. Anh cũng được Công đoàn Công ty khen thưởng vì có thành tích trong lao động và tham gia tích cực hoạt động Công đoàn.