Làng Đông, xã Cổ Lũng (Phú Lương), trước kia là một xóm thuần nông nghèo, có 126 hộ gia đình với hơn 500 nhân khẩu. Xóm có trên 33ha đất lúa và gần 20ha chè.
Hơn chục năm trước, đồng đất nơi đây chỉ cấy được một vụ lúa, nên lương thực bình quân mỗi khẩu chỉ đạt trên 300kg/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 20%. Mùa giáp hạt, phần lớn dân làng phải đi làm thuê tại các lò gạch thủ công... lo ăn qua ngày. Năm 2011, xóm Làng Đông vẫn còn đến hơn chục hộ nghèo. Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm chia sẻ: Khi thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư (XDĐSVH) và Chương trình Xây dựng nông thôn mới, Chi bộ xóm xác định, nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phải giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Chi bộ tập trung vận động nhân dân thay đổi tư duy và tập quán sản xuất cũ tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi cơ cấu giống cho phù hợp.
Còn chị Đào Thị Lan, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ và chị Ngô Thị Hai, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân nhớ lại: Trước đây, mỗi lần có hội nghị hay lớp tập huấn kỹ thuật, các hộ chỉ cử đàn ông đi họp. Sau mỗi buổi họp về, thông tin không được phổ biến lại đầy đủ trong gia đình, nên hiệu quả không cao. Từ thực tế này, các chị đã đề xuất khi tổ chức họp, tập huấn phải mời cả phụ nữ, thanh niên tham gia. Bên cạnh đó, các tổ chức Hội mạnh dạn đứng ra tín chấp ngân hàng giúp hội viên vay vốn phát triển sản xuất, hội viên hỗ trợ nhau vốn để thực hiện các mô hình ô mẫu... tạo phong trào thi đua sôi nổi.
Làng Đông hôm nay đã có cánh đồng lúa cao sản, vụ xuân, bà con gieo cấy bằng giống lúa lai và lúa thuần, nhờ đó, năng suất tăng từ 45 tạ/ha (năm 2000) lên 54 tạ/ha và bình quân lương thực đến nay đã đạt trên 600kg/người/năm. Đặc biệt, khâu làm giống bằng gieo sạ đã giảm từ 60kg thóc giống xuống còn 30kg/mẫu ruộng. Trên diện tích gần 20ha trồng chè, đến nay, đã có 30% diện tích được trồng thay thế bằng các giống chè cành, cho năng suất trên 120 tạ búp tươi/ha/năm. Đến nay, Làng Đông chỉ còn duy nhất một hộ nghèo và gần 80% số hộ có mức sống khá giả, có mức thu nhập bình quân đạt trên 22 triệu đồng/người/năm. Cả xóm có gần chục mô hình gia trại nuôi lợn, gà.
Kinh tế phát triển, người dân tích cực đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Liên tục từ 2010 đến nay, mỗi năm, xóm huy động người dân đóng góp hàng trăm triệu đồng và ngày công lao động để mở rộng đường liên xóm từ 3m lên 4,5m, tu sửa, mua sắm thiết bị cho nhà văn hóa, sân thể dục - thể thao và nâng cấp, sửa chữa kênh mương. Hiện nay, Làng Đông đã có gần 2km đường bê tông. Năm 2014 này, xóm tiếp tục huy động nhân dân đóng góp trên 300 triệu đồng đổ bê tông gần 1,7km đường. Về Làng Đông giờ đây không còn cảnh gặp mưa là lầy lội, nắng lên là bụi mù, đường làng rợp bóng cây xanh.
Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi cho biết thêm: Để bảo đảm các hoạt động ở khu dân cư được nề nếp, mọi người dân đều có nghĩa vụ, trách nhiệm xây dựng nếp sống văn hóa. Hằng năm, Ban Công tác Mặt trận đều tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện những quy ước của xóm. Ví dụ như, muốn có đường sạch đẹp thì trách nhiệm các hộ dân hai bên đường phải tự quản, nhắc nhở người đi đường chấp hành các quy định về an toàn giao thông giữ gìn vệ sinh chung. Hoặc như việc cưới không được tổ chức quá 1 ngày; việc tang không được tổ chức quá 2 ngày. Có thể nói, để những quy ước này đi vào cuộc sống ở Làng Đông, chính là nhờ những nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ Ban Công tác Mặt trận xóm. Liên tục trong 5 năm (2009-2013), xóm Làng Đông luôn đạt danh hiệu khu dân cư điển hình tiên tiến cấp tỉnh.