Người dân Tân Linh vươn lên nhờ rừng

15:55, 12/06/2014

Đến xã Tân Linh (Đại Từ) những ngày tháng 6, màu xanh của chè và cây rừng khiến cái nắng nóng bớt gay gắt, không khí trong lành, dễ chịu hơn hẳn nơi thị thành. Anh Nguyễn Phan Vĩnh, Chủ tịch UBND xã nói vui: Ở Tân Linh, một miếng đất bằng bàn tay cũng được trồng cây. Chúng tôi đã phủ xanh toàn bộ đất trống, đồi núi trọc. Người dân Tân Linh đang giàu lên nhờ trồng rừng.

Theo con đường bê tông phẳng phiu, uốn lượn qua các nương chè, vạt rừng, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Văn Thắng, ở xóm 6, là một trong những hộ điển hình vươn lên có đời sống kinh tế khá giả nhờ trồng rừng. Bước vào căn nhà cấp 4 sạch sẽ, thoáng mát, nằm ngay dưới vạt rừng keo xanh tốt đã đến tuổi khai thác, ai nấy đều tỏ ra thích thú bởi không khí trong lành, dễ chịu. Anh Thắng cho biết: Gia đình tôi có gần 10ha rừng, đến nay đã khai thác được 1/3 diện tích, phần còn lại cũng sắp đến tuổi được khai thác. Khai thác rừng đến đâu, tôi lại trồng thay thế ngay đến đó nên đất chưa bao giờ hết “xanh”. Rừng đã cho gia đình tôi thu trung bình hơn 100 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, trồng chè mà lại không tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, để lấy ngắn nuôi dài, gia đình tôi vẫn trồng chè, cấy lúa, bởi trồng rừng phải mất từ 8-10 năm mới được khai thác.

 

- Nếu nói trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao thì trong 8 năm, từ 1ha rừng anh chi phí hết bao nhiêu và thu lại được bao nhiêu?

 

Anh Thắng lấy giấy bút nhẩm tính trong vài phút đã cho chúng tôi biết những con số: Trong 8 năm, 1ha rừng nếu chăm sóc tốt có thể cho thu tới 140 triệu đồng, trong khi đó chỉ mất 26 công chăm sóc (6 công dọn thực bì; 8 công cuốc hố trồng cây; năm thứ nhất, phát dọn cỏ dại 2 lần mất 4 công; năm thứ 2, phát dọn 2 lần mất 4 công; năm thứ 3, thứ 4, mỗi năm phát dọn 1 lần mất thêm 4 công, từ năm thứ 5 trở đi không mất công phát dọn nữa); và khoảng 5 triệu đồng tiền mua phân bón, cây giống.

 

Gia đình anh Thắng chỉ là một trong hàng trăm hộ ở Tân Linh đang vươn lên có đời sống kinh tế khá giả nhờ trồng rừng, trồng chè. Được biết, xã Tân Linh có gần 1.300ha đất tự nhiên thì trong đó, đất trồng rừng chiếm tới 998ha (100 diện tích đã được phủ xanh); hơn 80% số hộ (toàn xã có hơn 1.570 hộ dân) có đất rừng, nhà trồng ít cũng có 0,5ha rừng, nhà nhiều hơn 10ha. Hiện nay, toàn xã đã có hơn 300ha rừng trồng đã được khai thác; diện tích còn lại từ 2-8 năm tuổi.

 

Anh Trần Quang Nhữ, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã cho biết: Hiệu quả kinh tế từ trồng rừng mang lại là quá rõ ràng nên chúng tôi cũng không cần phải tuyên truyền nhiều, vì bà con rất có ý thức trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ những khoảng rừng mình trồng được. Nhiều gia đình có diện tích đất dưới 0,3ha (không đủ tiêu chuẩn thiết kế lô trồng rừng để nhận sự hỗ trợ của các dự án trồng rừng) cũng tự giác “bỏ tiền túi” ra mua phân bón, cây giống về trồng. Ngày trước chúng tôi thành lập Ban Quản lý Bảo vệ và Phát triển rừng của xã, dưới xóm lại có các tổ bảo vệ rừng nhưng nay thì các ban, tổ này không có việc để làm. Gia đình tôi cũng vừa khai thác 0,5ha rừng thu được hơn 50 triệu đồng. Sau cây chè, cây rừng ở Tân Linh cũng đang trở thành cây kinh tế mũi nhọn. 

 

Từ ngày những diện tích đất trống, đồi núi trọc được phủ xanh bằng các loại cây keo, mỡ, bạch đàn… xã Tân Linh cũng bắt đầu xuất hiện những cơ sở gia công, chế biến đồ gỗ. Hiện nay, toàn xã có 10 hộ tham gia làm dịch vụ này; thêm 2 xưởng bóc gỗ lớn đang được đầu tư xây dựng, dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động địa phương.

 

Có rừng, có chè, người dân Tân Linh đang dần “tự tin” trên con đường xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện xã chỉ còn 16,1% số hộ nghèo; Tân Linh đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới… Phát triển kinh tế đồi rừng đang là lựa chọn đúng hướng đối với người dân ở Tân Linh, hơn nữa rừng còn góp phần bảo vệ môi trường, là “lá phổi xanh” bảo vệ sức khỏe con người hữu hiệu.