Tăng giá sau xử lý xe vận chuyển hàng quá tải

11:12, 19/06/2014

Từ sau ngày 1-4, khi việc xử lý xe quá tải được triển khai đồng bộ trên cả nước thì giá cước các mặt hàng đều có xu hướng tăng, trong đó, nhóm vật liệu xây dựng (VLXD) có mức tăng đột biến. Tuy nhiên, so với quy định cước phí vận tải hàng hóa bằng ô tô trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh thì giá cước thực tế hiện vẫn thấp hơn và theo đại diện cơ quan chức năng, giá cước như hiện nay đang trở về đúng với giá trị thực…

Nhiều mặt hàng tăng giá đột biến

 

Ông Lưu Sỹ Liêm, tổ 16, phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên cho biết: Gia đình tôi bắt đầu khởi công xây nhà từ giữa tháng 2-2014. Khi đó, giá các loại vật liệu xây dựng đều khá ổn định. Tuy nhiên, từ sau ngày 1-4, giá tất cả các loại vật liệu, đặc biệt là cát và gạch tăng mạnh. Cụ thể trước đó, giá gạch tuynel Sông Công chở về tận nhà là 9,7 triệu đồng/vạn viên, nay đã tăng lên 13 triệu đồng/vạn; cát xây dựng từ 230.000 đồng/m3 tăng lên 330.000 đồng/m3; xi măng Bút Sơn từ 1,15 triệu đồng/tấn tăng lên 1,3 triệu đồng/tấn. Tìm hiểu thực tế, nguyên nhân giá VLXD tăng mạnh là do  nhóm hàng hóa này chủ yếu có trọng lượng lớn, lâu nay luôn có mức vượt quá tải trọng lớn nhất, trong khi đó, cước vận chuyển đối với loại hàng hóa này lại chiếm một tỷ trọng lớn trong cấu thành giá bán sản phẩm. Đối với một số hàng hóa như xi măng, gạch lát nền… thì cước vận chuyển tăng cao còn tác động kép đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bởi đầu vào và đầu ra của sản phẩm đều liên quan đến vận chuyển. Còn nhiều mặt hàng khác giá bán tại nơi sản xuất cơ bản vẫn ổn định như thời điểm quý I/2014.

 

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP Xi măng Cao Ngạn (Đồng Hỷ) cho biết: Từ quý II/2014 trở lại đây, giá các nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất xi măng mà Công ty phải mua tăng lên 5%, do đó, giá bán sản phẩm tại Công ty cũng tăng theo tương ứng. Cùng với đó, giá cước vận chuyển đến chân công trình cũng tăng gấp 2 lần so với trước (tương đương 50-100 nghìn đồng/tấn, tùy theo cung đường ngắn - dài), do đó, giá mỗi tấn xi măng đến chân công trình tăng từ 100-150 nghìn đồng/tấn. Tuy nhiên, theo nhiều chủ doanh nghiệp (DN), mức cước vận tải tăng trong thời gian qua chỉ đủ để bù đắp những chi phí cần thiết chứ DN không hề được lãi cao hơn, thậm chí còn bị tụt lãi. Ông Nguyễn Anh Hùng, Giám đốc DN Mạnh Hoa, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) minh họa: Nếu trước đây, mỗi chuyến đá (7m3, tương ứng với 10 tấn) mà DN nhận chở thuê từ Đồng Hỷ về Phổ Yên được lãi 170 nghìn đồng/chuyến xe (chưa kể khấu hao xe và phí đường bộ…) thì nay, cũng khối lượng đó, DN phải chở làm 2 chuyến và mỗi chuyến tính ra chỉ lãi được 50 nghìn đồng.

 

Giá cước vận tải đã trở về giá trị thực

 

Mặc dù cước vận tải thời gian qua có sự biến động khá lớn nhưng theo bà Hoàng Thị Hằng, Trưởng phòng Quản lý giá (Sở Tài chính) thì so với mức giá cước trong công bố của UBND tỉnh đưa ra theo Quyết định số 29 thì vẫn thấp hơn (chỉ bằng từ 90-95% giá cước quy định). Bà Hằng cho biết biết thêm, trước việc nhiều loại hàng hóa có mức tăng giá đột biến, ngày 6-5-2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 833 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện quy định về quản lý Nhà nước về giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong đợt 1 (từ ngày 15-5 đến 15-6), Đoàn đã tập trung kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá cước vận tải hàng hóa, trong đó chủ yếu là VLXD đối với một số đơn vị. Qua kiểm tra cho thấy, cước vận tải của các đơn vị đều tăng hơn so với thời điểm quý I/2014 từ 40-50%, cá biệt có một số mặt hàng tăng gấp 2 lần.

 

Đơn cử như với Công ty CP Xây dựng và Thương mại Quý Ngần, xóm Phố Điệp, xã Tiên Hội (Đại Từ) tính giá cước vận chuyển đá cấp phối từ xã La Bằng - thị trấn Đại Từ (15km), trong quý I có giá 100.000 đồng/m3, sang tháng 4 tăng lên 150.000 đồng/m3 (giá của tỉnh là 160.000 đồng/m3); xi măng từ La Hiên - Đại Từ trong quý I tính cước 150.000 đồng/tấn, từ tháng 4 tăng thêm 50.000 đồng/tấn (giá của tỉnh là 300.000 đồng/tấn, gồm cả bốc xuống)… Bà Hằng cho rằng, mức giá cước vận chuyển hiện nay đang trở về với giá trị thực của nó.

 

Nên duy trì việc kiểm soát

 

Tìm hiểu thực tế những ngày gần đây chúng tôi được biết, từ cuối tháng 5 trở lại đây, giá cước vận chuyển VLXD có xu hướng giảm hơn so với thời điểm gần 2 tháng trước đó. Nguyên nhân do việc kiểm soát xe quá tải của lực lượng chức năng có phần nới lỏng. Nếu như trước đó, lực lượng chức năng chỉ cho phép chở đúng tải trọng thì nay đã không xử phạt đối với những xe chở bằng thành (với nhiều loại vật liệu, chở bằng thành đã có thể vượt gấp 2 lần tải trọng cho phép). Khẳng định điều này, ông Lưu Sỹ Liêm thông tin, hiện giá cát đã giảm 20.000 đồng/m3, gạch giảm 500 nghìn đồng/vạn; xi măng giảm 50 nghìn đồng/tấn

 

Còn theo một chủ doanh nghiệp sắt thép ở T.P Thái Nguyên, thì cước vận chuyển gần 1 tháng nay từ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên về kho của DN (khoảng 4-5km) đã giảm từ 55 đồng/kg xuống còn 40 đồng/kg (quý I/2014 là 30 đồng/kg). Đáng lưu ý là giá cước vận chuyển tăng nhiều hay ít ngoài việc phụ thuộc vào độ dài của quãng đường di chuyển còn phụ thuộc rất lớn vào việc xử lý xe quá tải của lực lượng công an các tỉnh. Trong cùng thời gian cao điểm là sau ngày 1-4, do một số tỉnh không siết chặt kiểm soát như Thái Nguyên nên nhiều chủ xe tải vẫn chở quá tải, điều này gây ra không ít khó khăn cho các DN trên địa bàn tỉnh.

 

Bởi thế, theo các ông Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc Mỏ đá Núi Voi (Đồng Hỷ); Phạm Công Quý, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Quý Ngần (Đại Từ) và nhiều chủ doanh nghiệp vận tải khác thì việc kiểm soát xe quá tải thời gian qua là rất cần thiết và nên duy trì thực hiện để đảm bảo an toàn cho việc tham gia giao thông cũng như các tuyến đường, cầu cống… Tuy nhiên, điều mà các DN sản xuất, kinh doanh và vận tải mong muốn đó là nếu đã làm nghiêm thì phải thực hiện đồng bộ, công bằng ở mọi nơi, mọi lúc và lâu dài, tránh việc nơi này làm nghiêm, nơi khác buông lỏng vì như thế sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN và hậu quả cuối cùng sẽ vẫn là người tiêu dùng phải gánh chịu…