Hoạt động đấu giá tài sản công (TSC) do Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) thực hiện đã đem lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để tỉnh Thái Nguyên tái đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nửa đầu của năm 2014, hoạt động bán đấu giá TSC có nhiều triển vọng so với cùng kỳ năm trước vì tăng cả số hợp đồng giao dịch thành công và số tiền thu về ngân sách. Đặc biệt, thủ tục bán đấu giá TSC đã được đơn gián hóa nhưng vẫn đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật…
Tính đến thời điểm hết tháng 5, Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh đã ký kết được 62 hợp đồng với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để bán đấu giá TSC gồm: Quyền sử dụng đất; trụ sở cơ quan Nhà nước; ô tô thanh lý; tang vật vi pháp luật bị tịch thu; vật liệu thu hồi để sung công quỹ với tổng giá trị tài sản lên đến trên 319 tỷ đồng. Đây là khối tài sản lớn nên tập thể cán bộ Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, các ngành chức năng liên quan để thẩm định chính xác giá tài sản trước khi đưa ra bán đấu giá. Sau đó, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan tuyền truyền của tỉnh như: Báo Thái Nguyên; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh liên tục thông tin về nội dung bán đấu giá TSC (mỗi loại tài sản được thông báo 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày); niêm yết công khai thông tin bán đấu giá tài sản tại nơi có tài sản và trụ sở Trung tâm. Việc công khai thông tin, thủ tục và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua tài sản được trực tiếp xem tài sản, mua hồ sơ đấu gia, thu phí và nộp tiền đặt cọc… nên các phiên bán đấu giá tài sản của Trung tâm đều thu hút đông khách hàng đến tham gia.
Số hợp đồng bán đấu giá TSC do Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh thực hiện thành công trong 5 tháng đầu năm là 58/62 hợp đồng, thu về ngân sách Nhà nước trên 130,7 tỷ đồng, tăng 2,9 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm do liên ngành của tỉnh và các huyện, thành, thị đưa ra (tăng 25 hợp đồng và 126,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, có một số loại TSC có giá trị lớn đưa ra bán đấu giá thành công là trụ sở cơ đơn vị như: Sở Công Thương; Tỉnh đoàn; Trạm Thú y T.P Thái Nguyên; quyền sử dụng đất ở Khu dân cư 7B Túc Duyên; máy xúc, tàu hút cát vi phạm pháp luật bị UBND huyện Phổ Yên tịch thu…
Đồng chí Nguyễn Thị Quyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh cho biết: “Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều quả trong công tác bán đấu giá TSC để thu về ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Trung tâm đã, đang tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản tới các tổ chức, cá nhân để từng bước phổ cập hoạt động bán đấu giá tài sản tới các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, đơn vị cũng chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, 9 huyện, thành, thị của tỉnh trong quá trình hoàn tất thủ tục bán đấu giá các loại TSC; bố trí lực lượng cán bộ, chuyên viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện việc đấu giá TSC được công khai, minh bạch và đem lại kết quả cao nhất”.
Mặc dù hoạt động bán đấu giá TSC những tháng đầu năm 2014 đã đem lại khoản thu khá lớn cho ngân sách nhưng sẽ không có sự tăng trưởng ổn định nếu hoạt động bán đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu dân cư, khu đô thị do cơ quan Nhà nước làm chủ đầu tư được thực hiện hiệu quả. Qua tìm hiểu của chúng tôi, hoạt động bán đấu giá quyền sử dụng đất do Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh thực hiện vẫn vắng khách do thị trường bất động sản chưa phục hồi và việc xây dựng hạ tầng các khu dân cư trên địa bàn tỉnh còn thiếu đồng bộ so với thiết kế đã được duyệt; diện tích lô đất quy hoạch quá lớn so với khả năng tài chính của nhóm khách hàng thu nhập thấp; giá đất đưa ra bán đấu giá chưa sát với thị trường.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đức Lượng, Trưởng ban Quản lý các Dự án đầu tư và Xây dựng T.P Thái Nguyên - đơn vị được UBND T.P Thái Nguyên giao làm chủ đầu tư Khu dân cư số 7B Túc Duyên cho biết: “Các nhà thầu thi công xây dựng hạ tầng một số hạng mục còn chậm nên khi khách hàng tham gia bán đấu giá tài sản đến xem thấy vậy không tiếp tục giao dịch. Bán đấu giá quyền sử dụng đất không thành công nên khó khăn về kinh phí để thanh toán cho các nhà thầu và hệ quả là thi công bị giãn tiến độ. Đây là vòng luẩn quẩn chưa được giải quyết triệt để”. Bên cạch đó là quỹ đất các huyện, thành, thi đưa ra giá quá cao so với thị trường nên Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh tổ chức đấu giá quá 2 lần mà vẫn không thành công. Vẫn theo đồng chí Nguyễn Thị Quyên: Hoạt động bán đấu giá tài sản chỉ đạt hiệu quả khi thủ tục hành chính được giảm thiểu, giá khởi điểm của tài sản đưa ra bán đấu giá phải sát với giá thị trường. Riêng đới với quỹ đất đưa ra bán đấu giá phải có đầy đủ hạ tầng, thiết kế diện tích đa dạng để thu hút được các đối tượng có năng lực tài chính khác nhau; vị trí đất phải thuận lợi và giá bán phù hợp…
Hoạt động bán đấu giá TSC chuyên nghiệp sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước và tạo nguồn thu gia tăng, ổn định cho ngân sách tỉnh. Do vậy, việc củng cố nguồn lực con người, cơ sở vật chất và cơ chế chính sách cho công tác nên được các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa. Đặc biệt là cần xây dựng Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh thành nơi không chỉ bán đấu giá TSC mà trở thành sàn giao dịch các loại tài sản có giá trị của cả các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước.