Từ năm 2011 trở lại đây, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, xã Tân Thành (Phú Bình) đã có nhiều bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm.
Đồng chí Đinh Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã Tân Thành thông tin: Nằm ở phía Đông Bắc của huyện Phú Bình, xã có 70% dân cư là đồng bào các dân tộc thiểu số. Với hơn 65% diện tích là đồi núi, nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp ở đây tương đối khó khăn nên năng suất cây trồng không cao. Để nâng cao đời sống cho ngưuời dân những năm gần đây, chúng tôi đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Toàn xã Tân Thành có 14 hồ đập lớn nhỏ. Tất cả các hồ đập này đều dựa vào nguồn nước từ các khe núi và nước mưa nên không đủ cung cấp cho toàn bộ diện tích cây trồng, vật nuôi. Nắm bắt được khó khăn đó, xã đã chỉ đạo bà con chuyển sang trồng các loại cây màu chịu hạn tốt như: ngô, lạc, đậu đỗ… ở hơn 200ha đất khó khăn về nước tưới. Năm 2013, toàn xã có 123ha ngô cho sản lượng hơn 530 tấn, 233ha lạc với sản lượng đạt trên 400 tấn… Bà Nguyễn Thị Hà, xóm Na Bì cho biết: Trước kia, tôi chỉ trồng một vụ lúa mùa trên diện tích 3 sào, vụ còn lại thì bỏ hoang do không đủ nước tưới. Năm 2010, được sự giới thiệu của cán bộ nông nghiệp xã tôi đã trồng lạc chứ không bỏ hoang đất nữa. Mỗi vụ, gia đình tôi thu được hơn khoảng 7 tạ lạc tươi, cho thu nhập trung bình khoảng 4-5 triệu đồng.
Với hơn 300ha đất chủ động được nguồn nước, xã Tân Thành đã huy động bà con đóng góp ngày công lao động sửa chữa, khơi thông các tuyến kênh mương để dẫn nước thẳng vào ruộng. 3 năm trở lại đây, xã đã vận động người dân đưa các giống lúa lai Syn6, BTE-1… vào sản xuất thay thế cho giống lúa Khang Dân, U17 cũ. Diện tích lúa lai tập trung chủ yếu vào vụ mùa, thời gian có lượng nước tương đối dồi dào. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu giống lúa, năng suất lúa của Tân Thành đã tăng từ dưới 40 tạ/ha (năm 2009) lên 49 tạ/ha (năm 2013). Đặc biệt, vụ mùa năm 2013 là năm đầu tiên xã xây dựng mô hình “cánh đồng một giống” ở xóm Vo với diện tích 25ha, cấy giống lúa lai BTE-1. Vụ xuân năm 2014, tỷ lệ lúa lai của toàn xã chiếm 67% trong tổng số 120ha lúa. Theo đánh giá sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, năng suất lúa của xã có thể đạt 52 tạ/ha.
Với lợi thế diện tích đất lâm nghiệp lớn (gần 1.900ha), trước đây người dân trong xã chủ yếu trồng bạch đàn cho hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2000, xã đã vận động bà con chuyển diện tích rừng bạch đàn sang trồng keo. Cây keo có lợi thế thời gian thu hoạch ngắn hơn, sản lượng gỗ cao hơn và hiệu quả kinh tế tốt, đạt trung bình trên 50 triệu đồng/ha. Nhận thấy hiệu quả, đa số bà con trong xã đã chuyển đổi sang trồng keo. Hiện, toàn xã đã có trên 1.800ha rừng keo với hàng trăm mô hình trồng rừng từ 1- 5ha, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ trồng rừng. Bà Phạm Thị Phụng, ở xóm Đồng Bốn cho biết: Trước năm 2001, gia đình tôi chủ yếu sống nhờ trồng rừng bạch đàn. Tuy nhiên, cây bạch đàn 10 năm mới cho thu hoạch, lượng gỗ ít, thu nhập lại thấp nên tôi chuyển sang trồng keo. Hiện gia đình tôi có 2ha rừng keo đã đến tuổi cho thu hoạch, dự kiến diện tích keo này sẽ cho thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng.
Cùng với đó, chính quyền xã đã vận động bà con chuyển từ nuôi lợn Nam Hồng sang giống lợn lai F1 có sản lượng thịt cao hơn; chuyển từ các giống gà cũ, năng suất thấp sang nuôi gà lai mía theo hình thức chăn thả dưới tán rừng để tận dụng nguồn thức ăn; đẩy mạnh nghề chăn nuôi. Hiện, toàn xã đã có trên 10.300 con lợn, trên 300.000 con gia cầm. Anh Ngọ Văn Điền, ở xóm Non Tranh, một trong những gia đình vừa thoát nghèo năm 2013 của xã Tân Thành cho biết: Thời điểm năm 2008-2009, gia đình tôi chăn nuôi khoảng 5.000 con gà thịt nhưng chưa biết cách phòng dịch nên đàn gà bị nhiễm cúm và chết toàn bộ. Xác định không thể đói nghèo mãi, tôi quyết định làm kinh tế. Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi 2.000 con gà mái đẻ, số trứng thu được tôi đầu tư lò ấp nở gia cầm để bán giống. Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi cung cấp cho thị trường trên 30.000 con gà giống, cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng. Để đảm bảo an toàn cho đàn gà, tôi đã thực hiện tiêm phòng đầy đủ, rắc men khử trùng chuồng trại chăn nuôi.
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi kinh tế của Tân Thành đã có những bước tiến đáng kể. Thu nhập bình quân của xã đã đạt 13 triệu đồng/người/năm (năm 2013), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40% năm 2007 xuống còn 19% năm 2014, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Những mô hình kinh tế hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều đã minh chứng cho sự đổi thay của Tân Thành, một xã miền núi còn nhiều khó khăn nhưng đang từng bước nỗ lực để vươn lên.