Điểm nhấn kinh tế năm 2014

15:19, 26/12/2014

Năm 2014 được coi là năm có nhiều chỉ dấu quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế thì Việt Nam cũng được xem là một trong những quốc gia có nhiều cải cách tích cực để vượt qua khủng hoảng, phục hồi nền kinh tế ở tầm vĩ mô khá chắc chắn, tạo ra những lợi thế để tăng trưởng kinh tế trong năm 2015.

 Nhìn lại năm qua, có thế thấy nền kinh tế Việt Nam đã tạo ra những điểm nhấn nổi bật như: Các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế hầu hết có tiến bộ. GDP cả năm dự kiến có thể đạt 5,8%. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đều khá ổn định; chỉ số tồn kho hàng công nghiệp, chế biến giảm. Du lịch có tiến bộ khi đón trên 7,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp thành lập mới hoặc phục hồi hoạt động tăng hơn so với năm 2013… Cả nước thu hút 1.427 dự án FDI mới, tổng số vốn đăng ký hơn 13,4 tỷ USD, tăng 21,4% dự án so với cùng kỳ năm 2013.

 

Năm 2014 cũng là năm có chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm qua, đạt hơn 4%. CPI thấp là yếu tố quan trọng để cải thiện và ổn định đời sống nhân dân. Đồng nội tệ được củng cố sức mua và khả năng thanh khoản, giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay tín dụng, tăng hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam. Nợ xấu và các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém được kiểm soát… Thị trường bất động sản tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã cho thấy có những tín hiệu tích cực do giá đã dần trở về thực tế. Chính phủ cũng đã có những giải pháp tháo gỡ để thị trường bất động sản “phá băng” nhờ chính sách hỗ trợ tài chính, nới lỏng quyền sở hữu nhà, chuyển nhượng bất động sản… giá trị tồn kho bất động sản đã giảm từ 13%-15% so với cuối năm 2013.

 

Nhờ có những giải pháp mạnh về cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là những cải cách về thuế, hải quan, tài nguyên - môi trường, chất lượng dịch vụ công, tăng tự do hoá cho các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, phát triển mạnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh đàm phán hợp tác thượng mại với các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có các nền kinh tế lớn… Vì vậy môi trường đầu tư, niềm tin thị trường của Việt Nam đã được cải thiện. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm tín dụng (Fitch) - công ty đánh giá tín dụng lớn hàng đầu thế giới đã nâng một bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam và triển vọng dài hạn ở mức độ ổn định, tương lai sẽ ở trạng thái tốt. Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp quy nhằm đẩy mạnh cải cách, đơn giản hoá các thủ tục hành chính. Ngay trong năm 2014, số các doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đã tăng từ 65% lên 95%, thời gian nộp thuế đã giảm được 290 giờ/năm. Khi Luật Thuế sửa đổi được áp dụng từ 1-1- 2015 thì thời gian nộp thuế của  doanh nghiệp sẽ giảm thêm được 80 giờ nữa.

 

Cùng với những nỗ lực trong cải cách về thuế, hải quan, các thủ tục hành chính khác cũng sẽ được tiếp tục rà soát, đơn giản hoá quy trình, triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa, giảm mạnh thời gian thông quan hàng hoá, rút gọn quy trình nộp bảo hiểm xã hội, quy trình thành lập và giải thể doanh nghiệp… Việt Nam phấn đấu năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt mức trung bình trong khối các nước ASEAN-6 (6 nước phát triển nhất của ASEAN gồm: Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Brunei).