Ghi ở vùng rau Chợ Chu

09:07, 31/12/2014

Lâu nay, trồng rau xanh ở một số xóm, phố: Vườn Rau, Nản Dưới, Bãi Á… của thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) rất phát triển vì đồng đất nơi đây rất bằng phẳng và màu mỡ, lại thuận lợi về nguồn nước tưới. Nguồn rau xanh không chỉ đáp ứng được cơ bản nhu cầu cho người dân trên địa bàn, mà còn góp giúp nhiều hộ có thu nhập cao.

Chúng tôi về thăm các xóm trồng rau của thị trấn vào những ngày cuối tháng 12. Thời điểm này, người trồng rau nơi đây rất tất bật với việc chăm sóc, vụ rau dịp cuối năm - thời điểm mà nhu cầu rau xanh tăng cao. Với kinh nghiệm trên chục năm trồng rau, bà Đào Thị Tình, xóm Nản Dưới chia sẻ: Trồng rau quan trọng nhất là lựa chọn được giống rau tốt, trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng các giống rau như cải bắp Bắc Hà (Lào Cai), rau vùng Sìn Hồ (Lai Châu), năng suất thu được không cao. Những năm gần đây, gia đình chuyển sang trồng các giống của Nhật, có khả năng kháng bệnh tốt, tỷ lệ sống cao, trồng sau 3 tháng được thu hoạch với năng suất gấp đôi các giống cũ. Một trong những kinh nghiệm trồng rau đông là phải thường xuyên theo dõi thời tiết, nếu có sương muối thì người trồng rau phải dậy sớm để tưới nước lên rau cho hết lớp sương. Gia đình bà Tình trồng 5 sào rau cải bắp và su hào, nếu giá rau trung bình từ 7-8 nghìn đồng /kg như thời điểm hiện tại thì mỗi sào, gia đình bà thu về từ 3-4 triệu đồng tiền lãi.

 

Cạnh ruộng rau của gia đình bà Tình, đang cùng vợ cuốc luống và bón phân lót để trồng khoai lang, anh Vũ Văn Châu cho biết: Trước gia đình tôi trồng rau cải bắp ở đám ruộng nay, giờ rau đã được bán hết vì không muốn bỏ không đất, chúng tôi làm luống để trồng khoai lang. Anh Châu cũng cho biết thêm, gia đình anh có 7 sào ruộng thì 7-8 năm nay, cứ thu hoạch lúa mùa xong là vợ chồng anh lại làm đất để trồng rau vụ đông. Các giống rau chủ yếu được trồng là cải bắp, su hào, súp lơ. Hết lứa rau vụ đông, gia đình anh sẽ trồng dưa chuột. Nhẩm tính về thu nhập từ việc trồng rau, anh Châu phấn khởi: Mỗi vụ trồng rau đông, trừ hết chi phí, gia đình cũng thu về trên dưới 20 triệu đồng tiền lãi.

 

Được biết, xóm Nản Dưới có trên 50 hộ thì có gần 20 hộ trồng rau vụ đông với diện tích khoảng 6ha. Các hộ trồng được rau đông chủ yếu là vì có các đám ruộng chủ động được nguồn nước tưới và diện tích đất bằng phẳng, màu mỡ vì ở gần suối.

 

Ở xóm Nản Dưới, phần lớn người dân trồng rau ăn thì bà con xóm Bãi Á 3 lại chủ yếu trồng rau giống. Cả xóm có 54 hộ thì có trên 30 hộ trồng rau, có nhiều hộ đã trồng rau giống mấy chục năm nay. Chị Hà Thị Thái, một hộ trồng rau trong xóm cho biết: Trồng rau giống cho thu nhập cao nhưng khâu chăm sóc phải rất cẩn thận, tỉ mỉ. Có được giống rau tốt, tỉ lệ sống cao thì khâu làm đất là quan trọng nhất, đất phải tơi, xốp và được phơi ải trước khi gieo hạt rau. Nghề trồng rau vất vả hơn trồng lúa nhiều, chăm rau như chăm trẻ nhỏ vậy! Nhà chị Thái có 5 sào trồng cả rau giống và rau ăn, mỗi lứa, trừ hết chi phí, chị thu về trên 5 triệu đồng/sào.

 

Bà Nguyễn Thị Phú, Trưởng xóm Bãi Á 3 cho biết: Những năm gần đây, bà con trong xóm chuyển sang trồng rau nhiều. Cả xóm có trên 3ha cả diện tích rau giống và rau ăn. Hiện tại, các giống rau của xóm cung cấp cho cả địa bàn huyện Định Hóa và một số xã của huyện Phú Lương và các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới (Bắc Cạn).Việc trồng rau đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân, thu nhập bình quân của người dân xóm Bãi Á 3 hiện đạt khoảng 15 triệu đồng/người/năm và hiện tại, xóm chúng tôi chỉ còn có 6 hộ nghèo (chỉ yếu là những hộ neo đơn, già cả...).

 

Được biết, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thị trấn Chợ Chu là khoảng 80ha, trong đó diện tích trồng màu là 10ha, còn lại là cấy lúa; riêng vụ đông, sau khi bà con thu hoạch lúa mùa, toàn thị trấn trồng được khoảng 10ha rau, màu. Trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế từ việc sản xuất rau xanh của bà con nhân dân nơi, tuy nhiên, việc trồng rau xanh chủ yếu là do tự phát, bà con trồng rau dựa vào kinh nghiệm tích lũy được chứ không được tập huấn về kỹ thuật nên giá trị sản xuất còn chưa cao so với các vùng chuyên canh khác.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Minh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Chu cho biết: Trước thực tế một số xóm, phố trên địa bàn có điều kiện thuận lợi trong việc phát triển diện tích trồng rau nên thời gian tới, để giá trị sản xuất rau xanh của thị trấn đạt hiệu quả cao hơn nữa, chúng tôi sẽ chủ động tham mưu, tích cực phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho rau; tăng cường công tác quản lý đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo cung cấp cho bà con các sản phẩm đảm bảo. Ngoài ra, thị trấn cũng sẽ tập trung kiên cố các tuyến kênh mương để người dân chủ động được nguồn nước, từ đó mở rộng thêm diện tích trồng rau xanh, nhất là vào vụ đông.