Gỡ khó cùng doanh nghiệp

15:42, 30/12/2014

Năm 2013, tình hình kinh tế có nhiều biến động, chi phí sản xuất tăng, hàng hóa tiêu thụ chậm, lượng hàng tồn kho nhiều đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Trước tình hình trên, để tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, T.P Thái Nguyên đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi và giải pháp hỗ trợ.

Trên địa bàn thành phố hiện có trên 1.700 DN đang hoạt động trên các lĩnh vực như: Công nghiệp luyện kim, hoá chất, may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản, khách sạn, du lịch… Những tháng đầu năm 2013, tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do giá cả thị trường biến động, lượng hàng tồn kho nhiều, các DN khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng. Vì vậy, có khoảng 30% DN không có doanh thu, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả.

 

Trước tình hình trên, thành phố đã kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể như chủ động theo dõi, đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh để có biện pháp xử lý linh hoạt; tổ chức hội nghị họp bàn về giải pháp; thẩm định các dự án vay vốn, hướng dẫn các DN làm thủ tục thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường để tiến hành đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế giảm bớt khó khăn về tài chính, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường...

 

Ông Bùi Xuân Khoa, Chi cục phó Chi cục Thuế thành phố cho biết: Để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thực hiện theo quy định của Nhà nước, năm 2013, Chi cục đã thực hiện gia hạn thuế giá trị gia tăng cho hơn 500 DN với số thuế trên 10 tỷ đồng, giảm tiền thuê đất cho 20 DN với số tiền 6,5 tỷ đồng.

 

Cùng với các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, các DN cũng đã năng động vượt khó, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Bà Nguyễn Thị Trâm, Giám đốc Công ty cổ phần Minh Trâm cho biết: Là đơn vị xây dựng, trong năm 2013, Công ty chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn do Nhà nước cắt giảm đầu tư công. Để tồn tại, Ban lãnh đạo Công ty đã đưa ra kế hoạch phát triển cụ thể và nghiêm túc thực hiện. Cụ thể như: Chúng tôi đã thực hiện cắt giảm mọi chi phí không hợp lý, chủ động tìm việc ở trong và ngoài tỉnh, không quản vùng sâu vùng xa, phát huy tối đa nguồn nhân lực, vật lực, tài chính sẵn có để đẩy nhanh tiến độ các công trình, hoàn thành đúng tiến độ để giữ uy tín và có cơ sở để thanh toán. Nhờ vậy, năm 2013, doanh thu của Công ty ước đạt trên 85,5 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2012; nộp ngân sách Nhà nước 3,3 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 300 lao động với mức thu nhập bình quân 5,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 12% so với năm 2012.

 

Cũng như Công ty cổ phần Minh Trâm, trước tình hình khó khăn chung, Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại Cường Thịnh (địa chỉ tại 59, Minh Cầu) đã nỗ lực tìm giải pháp để phát triển và được đánh giá là một trong những DN phát triển mạnh trong năm của Thành phố. Đối với mỗi công trình thi công, Công ty đều tính toán kỹ lưỡng, tận dụng tối đa nhân vật lực và khai thác nguồn nguyên liệu xây dựng tại địa phương đó để giảm chi phí đầu vào. Từng công trình, Công ty cũng thực hiện triệt để việc tiết kiệm phương tiện (ví dụ như tự gia công cốp pha chứ không phải đi thuê như trước đây); đảm bảo quản lý. Đồng thời Công ty cũng chú trọng đào tạo tay nghề công nhân để phát triển thêm những nghề phục vụ xây lắp như hàn, cơ khí để tiết kiệm chi.

 

Nhờ vậy, trong năm 2013, Công ty đã về trước kế hoạch đề ra hơn 1 tháng, có doanh thu trên 20 tỷ đồng (tăng 18% so với năm 2012), hoàn thành nộp ngân sách Nhà nước bằng 172% so với năm trước. Công ty cũng đảm bảo việc làm cho 97 lao động (cả công nhân và lao động thời vụ) với mức lương trung bình gần 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Đức Cổn, Giám đốc Công ty cho biết: Ngoài sự nỗ lực của bản thân, DN chúng tôi cũng được nhận nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh và Thành phố nên đã vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất. Tết năm nay, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Công ty vẫn có kế hoạch thưởng Tết cho công nhân và người lao động với số tiền từ 2-5 triệu đồng/người để động viên tinh thần anh em.

 

Bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của các DN, Hội DN thành phố cũng đã tạo sự liên kết lẫn nhau trong hỗ trợ kỹ thuật, giới thiệu những nhà cung ứng giữa các DN. Đó là thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời cho các DN về tình hình giá cả, thị trường trong và ngoài nước, nhất là thị trường và mặt hàng xuất nhập khẩu trọng điểm, các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, các chế độ, chính sách, pháp luật… giúp DN tạo sự chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

 

Với những giải pháp đồng bộ của thành phố, cộng với sự nỗ lực vượt khó của các DN, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn thành phố những tháng cuối năm đã có những chuyển biến tích cực. Trong 9 tháng năm 2013, có 156 DN thành lập mới, 248 DN ngừng hoạt động, phá sản, giải thể, giảm 49% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 6.175 tỷ đồng, mặc dù chỉ đạt 95% kế hoạch nhưng vẫn tăng 7,65% so với năm 2012.