Góp phần tăng sản lượng cây trồng và thu nhập cho nông dân

15:11, 26/12/2014

Ngoài cây chè - cây kinh tế mũi nhọn thì cây hàng năm cũng góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập đáng kể cho người dân Thái Nguyên. Năm 2014, diện tích cây hàng năm của tỉnh tăng đáng kể so với năm 2013.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2014 ước đạt gần 122 nghìn ha, tăng gần 1.350ha so với năm ngoái. Trong đó, cây lương thực có hạt chiếm khoảng 75,6% diện tích; cây lấy củ có bột chiếm khoảng 7,8% diện tích; cây rau đậu, hoa, cây cảnh chiếm khoảng 11% diện tích, các loại cây khác chiếm khoảng 5,6% diện tích…

 

Điều đáng nói là diện tích hai loại cây lương thực chính của tỉnh là lúa và ngô đều tăng khá cao. Cây lúa, diện tích gieo trồng cả năm đạt trên 72,4 nghìn ha, vượt 9% kế hoạch. Theo đó, trà lúa xuân muộn, mùa sớm chiếm ưu thế. Các giống lúa được đưa vào gieo cấy chủ yếu là lúa lai (Syn6, Nhị ưu 838, VL20, VL24…), lúa thuần chất lượng cao (HT1, HT6, HT9, VS1, SH14, TBR 45, Bắc thơm số 7, ĐS-1)... Năm nay, diện tích lúa lai đạt 15,4 nghìn ha, vượt 54% kế hoạch và bằng 121,3% so với năm 2013. Năng suất lúa cả năm ước đạt 51 tạ/ha, tăng 1% so với năm trước, sản lượng lúa cả năm đạt xấp xỉ 369 nghìn tấn, vượt 6,6% kế hoạch. Tương tự với cây ngô, diện tích gieo trồng cả năm đạt hơn 19,5 nghìn ha, vượt 13% kế hoạch. Trên 90% diện tích ngô được trồng bằng các giống ngô lai như NK4300, DDK 888, ĐK 999. Năng suất cả năm ước đạt gần 41 tạ/ha, sản lượng xấp xỉ 80 nghìn tấn, vượt 7,3% kế hoạch… Nhóm cây hàng năm khác như khoai lang, sắn, đỗ tương, lạc, rau xanh, đậu, hoa, cây cảnh… trồng được trên 24 nghìn ha, tăng khoảng 3% so với năm trước.

 

Diện tích cây trồng hàng năm tăng là dấu hiệu đáng mừng. Đối với cây lúa, nguyên nhân tăng là do năm nay, nguồn nước tưới phục vụ sản xuất khá thuận lợi. Vào vụ xuân, mưa phùn nhiều, độ ẩm cao, ở nhiều địa phương, hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố hóa ngày càng tăng, không gây thất thoát nguồn nước nên ở nhiều nơi trước đây thường gặp hạn hán thì nay đã có nước cấy và dưỡng lúa. Ngoài ra, ở một số huyện miền núi, bà con đã chuyển diện tích trồng 1 vụ lúa thành 2 vụ trồng lúa do chủ động được nguồn nước. Vào vụ mùa, nguồn nước ổn định, không xảy ra mưa, bão lớn nên không ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy lúa. Với cây ngô, nguyên nhân tăng chủ yếu do thời tiết đầu vụ mưa nhiều, thuận lợi cho việc trồng cây ngô trên đất đồi thấp. Còn nguyên nhân khiến diện tích trồng rau xanh, đậu, đỗ tương, hoa, cây cảnh... tăng là do đây là nhóm cây phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ tại chỗ nên người dân trong tỉnh đã tận dụng đất vườn tạp cũng như chuyển đổi một số diện tích cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang gieo trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao.

 

Theo nhận định của ngành Nông nghiệp, năm 2014, tình hình sản xuất cây hàng năm trên địa bàn tỉnh tương đối thuận lợi. Thêm vào đó, tỉnh cũng đã có nhiều cơ chế hỗ trợ giá giống cho nông dân, dẫn đến diện tích cây trồng tăng, kéo theo sản lượng các loại cây đều tăng. Cụ thể, sản lượng lương thực cây có hạt (ngô, lúa) đạt trên 448 nghìn tấn, vượt 6,7% kế hoạch, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Chị Đỗ Thị Ngần, một người dân ở xóm Đình, xã Bình Thuận (Đại Từ) cho biết: Gia đình tôi có 7 sào ruộng. Năm ngoái, gia đình chỉ cấy 2 vụ lúa và trồng thêm khoảng 1 sào rau xanh vụ đông để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Năm  nay, ngoài cấy lúa, để có thêm lương thực dự trữ, tôi đã trồng 4 sào ngô vụ đông. Hiện, ngô đang phát triển tốt. Cứ đà này, tôi sẽ thu gần 2 tạ ngô/sào, không chỉ phục vụ đủ nhu cầu chăn nuôi của gia đình mà còn dư để bán.

 

Không chỉ có cây lương thực mà diện tích cây hàng năm khác tăng cũng giúp cho thu nhập của người dân tăng đáng kể. Nhất là với diện tích rau màu, năm nay đạt 11,5 nghìn ha, năng suất đạt gần 163 tạ/ha, sản lượng rau ước đạt 187 nghìn tấn, tăng 10,2% so với năm ngoái. Tiếp đến là sản lượng đậu các loại tăng 4,2%, lạc tăng 1,2%... Chị Nguyễn Thị Hương, xóm Cậy, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cho biết: Sản xuất rau màu năm nay thuận lợi vì giá rau 6 tháng cuối năm khá ổn định. Đặc biệt vào thời điểm tháng 11 và 12, giá rau xanh tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái nên người nông dân không chỉ bù lỗ cho những diện tích rau bị thất thu do mất giá hồi đầu năm mà còn thu được số tiền lãi khá. Theo tính toán của tôi, mỗi héc ta rau màu trồng chuyên canh, nếu chăm sóc tốt có thể cho thu từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.

 

Diện tích cây trồng hàng năm của năm 2014 tăng đã kéo theo sản lượng cây trồng tăng. Đặc biệt đây cũng là nguyên nhân để tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành Trồng trọt vượt kế hoạch đề ra (theo kế hoạch, phấn đấu tăng 2,3%, nhưng trên thực tế đã tăng 4,4%). Với kết quả đạt được, trong năm 2015, Thái Nguyên sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ để tăng diện tích cây trồng hàng năm cho hiệu quả kinh tế cao, giảm diện tích cây trồng kém hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.