Đi giữa màu xanh mướt của chè dưới chân núi Chùa Hàm Rồng, thuộc địa phận xã Phúc Thuận (Phổ Yên), chúng tôi có cảm giác thật yên bình. Đến nơi đây, chúng tôi được bà con kể nhiều về đảng viên Nguyễn Huy Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Ngoại thương Việt Thái, với mong ước góp phần tạo dựng thương hiệu vùng chè đặc sản Phổ Yên, giúp bà con thoát nghèo, làm giàu.
Dẫn chúng tôi thăm quan 1ha chè cành gia đình anh mới trồng dưới chân núi Chùa Hàm Rồng, anh Sơn nói: Ở đây gần dãy núi Tam Đảo nên khá thuận lợi về khí hậu, quanh năm mát mẻ hơn các nơi khác, lại có nhiều đá gan trâu, loại đá mát, hợp với việc giữ ẩm cho cây chè phát triển tốt.
Sinh năm 1972, từ bé gắn bó với vùng đất chè, anh Sơn luôn trăn trở là sao vùng chè Phổ Yên cũng có truyền thống gần 100 năm, vị đậm, hương thơm, nhưng vì chưa có “tiếng” nên giá bán trên thị trường thấp, thường bị tư thương ép giá. Năm 2009, anh bắt đầu thành lập Công ty cổ phần Ngoại thương Việt Thái. Đến nay, anh đã tạo dựng được thương hiệu chè đặc sản Phổ Yên với 4 sản phẩm: Lộc trà, Tâm trà (sản phẩm cao cấp) và Thiết Bảo Trà, Cao Sơn Trà (phục vụ khách bình dân). Anh Sơn tâm sự: Qua tìm hiểu thị trường, tôi thấy một số đơn vị sản xuất chuyên một loại sản phẩm, ví dụ như chè Ôlong, chè Đinh, còn tôi chọn cả sản phẩm cao cấp lẫn bình dân, để phục vụ đa dạng khách hàng.
Cách đặt tên từng loại trà cung cấp nhu cầu của người tiêu dùng được anh lý giải giản đơn: Lộc trà nghĩa là người làm ra sản phẩm này mong muốn mọi người thưởng thức, không chỉ thấy cái ngon, tinh túy của trà mà còn sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống; Tâm trà, người làm chè muốn gửi tấm lòng, sự tâm huyết của mình để mang lại cho người thưởng thức vị trà ngọt thanh, hương trà dịu nhẹ mê đắm; Cao Sơn trà được chế biến từ loại chè hái trên núi cao (cao sơn), khí hậu mát mẻ, chè không ngọt đằm nhưng vị chát thanh nhẹ; Thiết Bảo trà, là loại trà nên dùng hàng ngày để đảm bảo sức khỏe…
Nhiều năm gắn bó với cây chè, sản phẩm của Công ty cổ phần Ngoại thương Việt Thái đã dần gây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh với sản lượng tiêu thụ hàng năm đạt trên 50 tấn chè khô, tổng doanh thu đạt hơn 6 tỷ đồng. Hiện, Công ty tạo công ăn việc làm cho 11 công nhân với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Song điều anh Sơn hài lòng nhất là sản phẩm chè đặc sản Phổ Yên đã được người tiêu dùng đón nhận. Ngay cả thị trường “khó tính” như Hà Nội, Đà Lạt, 2 năm trở lại đây, anh đã cung cấp hàng tấn chè búp khô mỗi tháng cho các cơ quan công sở trên các địa bàn đó. Hiện nay, các sản phẩm Lộc trà, Tâm trà, Cao Sơn trà đều được công nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Năm 2014, sản phẩm Thiết Bảo Trà tiếp tục được công nhận danh hiệu này.
Không chỉ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm chè cho nông dân, anh còn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, hay hỗ trợ một phần phân bón và các trang thiết bị chế biến chè cho nông dân. Anh Ngô Xuân Trường, ở xóm 7, cho biết: Từ năm 2013, gia đình tôi ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho Công ty cổ phần Ngoại Thương Việt Thái. Mỗi năm, gia đình tôi thu hái 6 lứa, cung cấp cho Công ty từ 1,7-1,8 tạ chè búp khô/lứa, giá bán từ 200 đến 300 nghìn đồng/kg.
Với mong muốn xây dựng thương hiệu chè sạch Phổ Yên, từ cuối năm 2012, anh còn phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Nam Thái Nguyên trong việc đào tạo nghề trồng và chế biến chè sạch cho người dân.
Nhận xét về anh, đồng chí Dương Văn Huân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phúc Thuận cho biết: Không chỉ tập trung làm kinh tế gia đình giỏi, điều chúng tôi thấy khâm phục hơn ở đảng viên Nguyễn Huy Sơn là anh còn làm tốt vai trò Phó Bí thư Chi bộ Đoàn Kết 1, Công an viên xóm Tân Ấp 1. Hàng năm, Chi bộ đều đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Cá nhân anh Sơn nhiều năm liên tục anh được đánh giá là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Anh Sơn dự định mỗi năm sẽ trồng mới khoảng 1ha chè cành LDP1, Kim Tuyên theo đúng tiêu chuẩn chè sạch, phấn đấu đến năm 2025, sẽ có thêm 10ha chè nguyên liệu, để mở rộng hoạt động của Công ty.