Tất cả các doanh nghiệp kinh doanh hàng lương thực, thực phẩm phục vụ dịp cuối năm trên địa bàn tỉnh đều khẳng định tỷ lệ dự trữ hàng hóa của họ là không đáng kể. Lý do được đưa ra là bởi tình hình giá cả dự báo sẽ không có biến động lớn; hàng hóa trên thị trường đang ở thế cân bằng; tâm lý tập trung chi tiêu, mua sắm của người dân trong dịp Tết không còn nặng nề như trước...
Theo đánh giá của Sở Tài chính, trong tháng 12 này chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh giảm 0,14% so với tháng trước. Đây là điều khác biệt so với quy luật cung cầu hàng hóa trên thị trường nhiều năm qua. Kết quả thống kê cho thấy, trong các năm gần đây chỉ số CPI đều tăng trong tháng 12. Nguyên nhân do giá xăng dầu liên tiếp được Nhà nước điều chỉnh giảm đã tác động đến thị trường tiêu dùng. Dự kiến, chỉ số CPI chung của cả nước năm 2014 sẽ ở mức 4,09%. Dù chưa có con số chính thức, song theo dự báo chuyên môn, chỉ số CPI của tỉnh sẽ thấp hơn so với trung bình chung cả nước. Hơn nữa, ngoài giá xăng dầu giảm, các sản phẩm thiết yếu khác như đường ăn, ngũ cốc đều giảm giá mạnh nên khả năng thị trường lương thực, thực phẩm dịp cuối năm sẽ không có biến động lớn.
Nắm bắt được tình hình thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh hàng lương thực, thực phẩm và các đồ nhu yếu phẩm khác trên địa bàn đã không quá lo lắng về khả năng trữ hàng của mình như những năm trước. Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Minh Cầu với chuỗi các siêu thị bán buôn, bán lẻ trên địa bàn T.P Thái Nguyên thời điểm này cũng vẫn "bình chân như vại" dù biết chỉ chưa đầy hai tháng nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc. Lý giải về điều đó, ông Trần Huy Luân, Chủ tịch HĐQT Công ty cho hay: Cung ứng hàng Tết được đơn vị xem là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Tuy nhiên, sức mua năm nay yếu, trong khi cạnh tranh thị trường lại rất lớn, năng lực bán ra của các doanh nghiệp đạt thấp. Doanh số bán ra của đơn vị trong tháng 12 này đã tụt giảm tới 7% so với thời điểm giữa năm, điều mà ít thấy lâu nay. Bởi vậy, kế hoạch của đơn vị là dịp Tết chỉ dự trữ hàng tăng từ 30% đến 40% (tức có giá trị khoảng 6 tỷ đồng) so với ngày thường chứ không như mọi năm, lên tới 60% đến 70%.
Phân tích của các nhà kinh tế cho thấy, hiện nay ngay cả nhà sản xuất cũng không quá lo lắng trong việc trữ hàng bởi với công nghệ tiên tiến, hiện đại, các sản phẩm từ khâu sản xuất đến nhà kinh doanh và tới tay người tiêu dùng là rất nhanh. Cá biệt có những sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng chỉ trong ngày. Bởi vậy, không lý gì nhà kinh doanh lại quá quan trọng khâu tích trữ nữa, nhất là khi thị trường đang khá ổn định. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Trung Tín, trực tiếp phụ trách hoạt động kinh doanh tại Siêu thị T'Mart (Chợ Thái - T.P Thái Nguyên) cho hay: Tại thời điểm này, đơn vị chưa phải dự trữ bất kể mặt hàng thiết yếu nào bởi thị trường đang cân bằng, sức mua đều đều. Tất nhiên, đơn vị sẽ bổ sung thêm nguồn hàng nhưng sẽ không nhiều và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như gạo, muối, bánh, mứt, kẹo, nước giải khát... Nguyên do là bởi, dịch vụ cung ứng hàng hóa hiện nay đang ở thế bão hòa, sức cạnh tranh lớn, giá cả ổn định, trong khi các nguồn thu dịp cuối năm của người tiêu dùng chưa nhiều.
Công ty TNHH Dịch vụ, Thương mại Dũng Minh là một trong những đơn vị chuyên cung cấp các loại gạo trên địa bàn tỉnh. Những tưởng dịp cuối năm, lượng hàng trữ trong kho của đơn vị tại xã Sơn Cẩm (Phú Lương) sẽ rất nhiều, nhưng theo ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Công ty thì hàng mới nhập để phục vụ dịp Tết là chưa có. Phải cuối tháng 11 âm lịch, tức là khoảng 20 ngày nữa có thể đơn vị mới nhập hàng và lượng nhập không nhiều như năm trước, chỉ khoảng 100 tấn. Theo ông Dũng thì tới đây, thuế giá trị gia tăng của mặt hàng gạo sẽ bằng không, nên chắc chắn thị trường sẽ rất ổn định, giá xuống thấp, người tiêu dùng hưởng lợi.
Thực tế cho thấy, tâm lý người tiêu dùng càng ngày càng thay đổi theo chiều hướng đơn giản hóa mỗi dịp cuối năm, Tết đến. Trước đây, người dân thường dồn vào mua sắm dịp cuối năm, trữ thật nhiều lương thực, thực phẩm để sử dụng trong những ngày Tết, nhưng nay tâm lý đó không còn, bởi họ biết rằng ngay từ ngày mùng 1 Tết, hàng hóa đã được bày bán rộng khắp các chợ, nhiều siêu thị còn mở cửa từ ngày mùng 2. Bởi thế, khi doanh nghiệp trữ hàng nhiều, nếu không tiêu thụ kịp, khả năng phải bán tháo chịu lỗ là dễ xảy ra. Theo các nhà kinh doanh trên địa bàn thì do sức cạnh tranh quá lớn, khiến quỹ khuyến mại của mỗi đơn vị cứ phình mãi ra mà lợi nhuận thu về thì giảm sút trông thấy. Do đó, chiến lược kinh doanh của họ là không dại gì trữ hàng quá nhiều, ngay cả dịp Tết.
Được biết, nhận định thấy tình hình thị trường cuối năm ổn định, từ rất sớm, Sở Công Thương đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn phải chủ động nghiên cứu nhu cầu hàng hóa có khả năng thanh toán; dự đoán sức mua của nhân dân, khảo sát nguồn hàng, xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, lưu ý cung cấp đảm bảo cả về giá cả và chất lược các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt, bánh, mứt, kẹo, muối iốt, đường RE, dầu ăn, thực phẩm chế biến...