Để giảm thiểu thiệt hại xuống mức thấp nhất cho người chăn nuôi, ngay từ đầu tháng 11, huyện Định Hóa đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn chủ động phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm...
Cùng cán bộ phụ trách nông - lâm nghiệp xã Thanh Định (Định Hóa) đi thăm một số mô hình chăn nuôi, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận là công tác vệ sinh chuồng trại đã được người dân coi trọng. Cùng với đó, các hộ chăn nuôi đều đã chuẩn bị sẵn các loại vật tư, thức ăn và phương án bảo vệ, chăm sóc vật nuôi trong những ngày giá rét. Ông Nguyễn Quang Thực, một hộ chăn nuôi trâu ở xóm Cỏ Bánh, xã Thanh Định cho biết: Gia đình tôi hiện nuôi hơn 20 con trâu. Để đảm bảo sức khỏe và phòng chống dịch bệnh, năm nào gia đình cũng tiêm phòng đầy đủ các vắc xin và tích trữ rơm cho trâu ăn trong những ngày giá rét không chăn thả được, đồng thời lấy bạt che xung quanh chuồng... Rời Thanh Định, đến các xã: Bình Yên, Trung Lương, Bình Thành, chúng tôi cũng nhận thấy công tác phòng chống dịch bệnh và đói rét cho đàn vật nuôi đã được cấp ủy, chính quyền và các hộ chăn nuôi quan tâm. Bà Mai Thị Chanh, xóm Tân Tiến, xã Trung Lương cho hay: Gia đình tôi có hơn 30 con lợn. Mấy ngày qua, nhiệt độ xuống thấp, nên tôi đã lấy bạt quây xung quanh chuồng để lợn không bị rét. Ngoài ra, hằng ngày, tôi đều quét dọn các ngăn chuồng thật sạch sẽ.
Ông Ma Khánh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành cho biết: Ngay từ đầu tháng 11, sau khi nhận được chỉ đạo của huyện, UBND xã đã rà soát nắm rõ số hộ có chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện có, đặc biệt là các hộ chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, số hộ chăn nuôi trâu, bò thả rông và đã có công văn gửi các thôn, xóm về việc triển khai các biện pháp chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Qua đó, các hộ chăn nuôi đã có ý thức hơn trong việc tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi. Sau khi thu hoạch xong lúa mùa, hầu hết các hộ dân đã củng cố, sửa chữa lại chuồng trại, che chắn kín gió, đảm bảo vừa ấm, vừa khô ráo và dự trữ sẵn rơm, rạ, thức ăn tinh cho vật nuôi trong những ngày giá rét...
Hiện nay, Định Hóa có 7.951 con trâu, 2.516 con bò, trên 32 nghìn con lợn... Nhằm chủ động đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, giúp người chăn nuôi giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tham mưu với UBND huyện có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã và thị trấn chủ động phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Theo đó, UBND huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị.
Cụ thể, Phòng Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm đồng thời hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai, đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi trên địa bàn; Trạm Thú y xây dựng kế hoạch dự phòng đầy đủ dụng cụ, các loại thuốc thú y theo quy định, triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại nơi có ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao; Trạm Khuyến nông phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền vận động các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, trị dịch bệnh và kỹ thuật chống đói, rét cho vật nuôi...
Ông La Văn Tám, Trạm trưởng Trạm Thú y của huyện cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi đã có phối hợp với các xã và thị trấn tiến hành rà soát, tuyên truyền và khuyến cáo người chăn nuôi ở những xóm có tỷ lệ tiêm phòng thấp tiêm phòng bổ sung một số loại văc xin; mua con giống có nguồn gốc rõ ràng; tăng cường vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, chủ động chuẩn bị các vật liệu chống rét cho vật nuôi như: tấm đan từ tranh tre, bạt quây...
Ông Đàm Tiến Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết thêm: Nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn ngay từ đầu vụ đông, nên nhận thức của người dân về công tác phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi cũng đang có sự chuyển biến tích cực. Đến nay, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện vẫn phát triển ổn định và an toàn...