Tại kỳ họp cuối năm vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua một loạt chỉ tiêu kinh tế quan trọng của năm 2014, trong đó có 3 chỉ tiêu nổi bật được xây dựng ở mức cao gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 15%; giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN tăng 55% và kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD. Trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên trước thềm năm mới, đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Đây là những điểm nhấn đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh không chỉ trong năm 2014 mà cả những năm tiếp theo”.
PV: Đồng chí có thể cho biết, vì sao 3 chỉ tiêu trên lại được xem là điểm nhấn quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh trong năm 2014?
Đ/c Dương Ngọc Long: Trước tiên, đây là những chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đối với nhiều địa phương, trong đó có Thái Nguyên chúng ta. Khi cái đích của chúng ta là trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020 thì 3 chỉ tiêu trên lại càng được xem trọng. Thứ nữa, chính những chỉ tiêu này sẽ có tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến một số chỉ tiêu quan trọng khác của tỉnh như: thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách, tạo việc làm mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo…
Ngoài ra, các chỉ tiêu này còn được xem là điểm nhấn trong năm 2014 vì xây dựng mức tăng khá cao so với kế hoạch và kết quả thực hiện của năm 2013. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 theo kế hoạch xây dựng tăng 9% và kết thúc năm chỉ đạt 6,7%, nhưng năm 2014 lại đề ra mục tiêu tăng 15%; giá trị sản xuất công nghiệp năm trước chỉ tăng 5,7%, thì năm nay đề ra mục tiêu tăng 55%; giá trị xuất khẩu năm trước chỉ đạt 173 triệu USD thì năm nay xây dựng mục tiêu đạt 1 tỷ USD. Sự tăng vượt trội của 3 chỉ tiêu trên hứa hẹn sẽ tạo cho nền kinh tế của tỉnh một sức mạnh mới, trở thành nền tảng phát triển vững chắc cho những năm tiếp theo.
PV: Thưa đồng chí, có thể thấy đây là những chỉ tiêu mang sức nặng nhất định và không dễ gì hoàn thành. Vậy, để thực hiện thắng lợi những chỉ tiêu đó đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp như thế nào?
Đ/c Dương Ngọc Long: Đúng là phải có những giải pháp kịp thời, hợp lý và hiệu quả thì mới có thể đạt được các chỉ tiêu lớn đề ra. Trong năm 2014, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung phát triển mạnh 2 Khu công nghiệp là Yên Bình và Điềm Thụy, phấn đấu có từ 30ha đến 50ha đất sạch để thu hút đầu tư. Tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các dự án của Tập đoàn Samsung đã đầu tư trên địa bàn thời gian qua để đảm bảo theo tiến độ đã đề ra. Trong đó, tập trung làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, mở rộng diện tích đầu tư, tạo điều kiện xây dựng hạ tầng điện, nước tại Khu công nghiệp Yên Bình (xây dựng Nhà máy cấp nước, đường điện 220kv), đồng thời giải quyết kịp thời mặt bằng cho các dự án phụ trợ khác của Tập đoàn này.
Ngoài Samsung, tỉnh sẽ tập trung giải phóng mặt bằng dứt điểm Dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo, tạo điều kiện cho liên doanh giữa doanh nghiệp của Đức và Việt Nam đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến sâu khoáng sản. Tỉnh cũng sẽ tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo, tuyển dụng lao động chất lượng, vừa giúp nhà đầu tư có lực lượng lao động tại chỗ, vừa góp phần thực hiện chỉ tiêu giải quyết việc làm mới cho 22 nghìn lao động của tỉnh trong năm 2014. Trong năm, sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường cải cách hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để thu hút mọi nguồn vốn, nhất là vốn FDI. Ngoài ra, còn tiến hành rà soát, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 5 chương trình, 16 đề án và 45 công trình trọng điểm của tỉnh…
Đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thi công Dự án xây dựng Nhà máy điện tử Glonics Việt Nam tại T.P Thái Nguyên do Công ty Bujeon Electronics của Hàn Quốc đầu tư
PV: Theo cam kết của Tập đoàn Samsung thì cuối quý I năm 2014, một trong những dự án quan trọng nhất của Khu Tổ hợp công nghệ cao Samsung tại Thái Nguyên sẽ chính thức hoạt động và có giá trị sản xuất. Đồng chí đánh giá như thế nào về khả năng đóng góp của Samsung đối với nền kinh tế của tỉnh trong năm nay và những năm tiếp theo?
Đ/c Dương Ngọc Long: Tập đoàn Samsung cam kết sẽ đưa vào vận hành Nhà máy sản xuất điện thoại di động (SEVT) nằm trong Khu Tổ hợp công nghệ cao Samsung với số vốn đầu tư 2 tỷ USD vào tháng 3 tới. Dự kiến mỗi tháng Nhà máy này sản xuất khoảng 8 triệu sản phẩm, cộng lại cả năm 2014 sẽ có khoảng 80 triệu sản phẩm xuất xưởng. Như vậy, giá trị sản xuất công nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu của đơn vị này trong năm sẽ lên tới hàng tỷ USD. Dự án này hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động, trong đó chủ yếu là lao động địa phương, đồng thời là sức hút kéo hàng loạt dự án đầu tư phụ trợ khác trong nước và nước ngoài vào tỉnh Thái Nguyên.
Mặt khác, việc Samsung triển khai xây dựng Dự án trên địa bàn thời gian qua đã góp phần giúp các doanh nghiệp trong tỉnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm vật liệu xây dựng, đồng thời thúc đẩy hoạt động giao thương, tiêu thụ hàng nông sản, thực phẩm và các sản phẩm, dịch vụ khác. Từ khi chính thức khởi công Nhà máy SEVT, tại Thái Nguyên đã có thêm Dự án Samsung Điện với mức đầu tư trên 1,2 tỷ USD cùng nhiều dự án phụ trợ khác có quy mô lớn được chấp thuận đầu tư và tiến hành xây dựng gồm: Điện tử Hansol, điện tử Bujeon… Vừa qua, tỉnh đã chấp thuận cho một nhà đầu tư lập dự án xây dựng Khu nhà xưởng cao tầng (diện tích 10ha) để cho thuê tại Khu công nghiệp Yên Bình. Nếu thành công, tại đây sẽ thu hút thêm hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa khác đến đầu tư.
Dự án Khu Tổ hợp công nghệ cao Samsung thuộc nhóm dự án trọng điểm mà cả tỉnh đang tập trung mọi điều kiện nhằm đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Cùng với Dự án Núi Pháo và các dự án quan trọng khác trên địa bàn, Dự án Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung có vai trò quyết định đối với các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh như: tốc độ tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu… không phải chỉ trong năm 2014 mà cả những năm tiếp theo.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!