Xuất phát từ chính thực tế sản xuất và việc không ngừng tìm tòi, học hỏi, nhiều nông dân trong tỉnh đã có những sáng chế, sáng tạo giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian và sức lao động. Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, chủ động sáng tạo”, họ đã trở thành những nhà sáng chế nông dân, thiết thực phục vụ lợi ích của nhà nông.
Chỉ với những vật liệu đơn giản như gỗ thừa, lưỡi cưa cũ…, anh Nguyễn Văn Khánh, ở xóm Tây Bắc, xã Kha Sơn (Phú Bình) đã sáng chế ra chiếc bàn dao chẻ nan làm chổi tre giúp tiết kiệm thời gian khoảng 15 lần so với cách làm cũ. Anh cho biết: Thông thường, khi làm chổi tre, tôi dùng dao để chẻ từng nan. Tuy nhiên, cách làm thủ công này tốn khá nhiều thời gian và nhân công nên tôi luôn trăn trở tìm cách làm mới giúp tăng năng suất, hiệu quả lao động. Nghĩ là làm, anh bắt đầu nghiên cứu các tài liệu về phương pháp sản xuất đồ mây tre đan. Sau một thời gian tìm tòi, anh đã nghĩ ra cách gắn nhiều lưỡi dao song song với nhau trên mặt gỗ và lắp một miếng thép đặt cùng với lưỡi dao để khống chế độ dày của nan chổi. Với cách làm này, người dùng chỉ cần đưa thanh tre đã chẻ mỏng qua bàn dao một lần là có thể thu được các nan chổi đều nhau. Số lượng nan chổi thu được tùy thuộc vào số lưỡi dao được lắp. Theo anh Khánh, trung bình mỗi ngày, một người bình thường dùng dao chẻ chỉ được khoảng 10kg nan chổi, tương đương với khoảng 70.000 đồng. Tuy nhiên, nếu dùng bàn dao chẻ 5 lưỡi thì năng suất sẽ tăng gấp 4 lần. Hiện nay, bàn dao chẻ nan do anh Khánh sáng chế đã được nhiều hộ dân trong xóm và các vùng lân cận học hỏi và sử dụng, góp phần đưa nghề làm chổi tre trở thành một nghề thủ công cho thu nhập tốt tại địa phương.
Còn đối với ông Hứa Đình Đường, ở xóm Nà Mỵ, xã Linh Thông (Định Hóa), những sáng chế không những mang lại lợi ích trong sản xuất mà còn giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình bằng việc bán máy móc. Vốn là công nhân cơ khí về nghỉ chế độ, ông Đường đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cấu tạo, phương pháp vận hành để tìm ra cách cải tiến giúp tăng hiệu quả sử dụng máy móc nông nghiệp. Một số sáng tạo của ông như: Cải tiến rãnh xoắn quả lô và chỉnh sửa sàng lọc hạt để tách riêng cùi từ máy tách ngô cũ giúp tiết kiệm nhân công và thời gian lao động; cải tiến một số chi tiết của máy tuốt lúa để khắc phục những nhược điểm như: rơm và rờm lần vào thóc sau khi tuốt lúa, rơm cuốn vào trục máy tuốt làm két máy, giảm bụi trong quá trình tuốt lúa… Ông Đường tâm sự: Trong thời hiện đại này, những người nông dân chúng tôi đã tích cực học hỏi, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất với mong muốn đạt năng suất lao động cao hơn. Tuy nhiên, một số loại máy móc còn chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất, do vậy bản thân người nông dân như tôi muốn học hỏi, sáng tạo để tự giải phóng sức lao động cho chính mình.
Trên đây chỉ là một số ít trong số rất nhiều những sáng tạo, giải pháp kỹ thuật, sáng kiến cải tiến quy trình sản xuất… của nông dân trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Những năm qua, Hội Nông dân các cấp luôn tích cực vận động hội viên sáng tạo về khoa học - kỹ thuật phù hợp với thực tiễn sản xuất của địa phương. Chỉ riêng cuộc thi nông dân sáng tạo năm 2014 đã có 30 sáng tạo, sáng chế của nông dân được lựa chọn đem đi giới thiệu tại Ngày hội nông dân sáng tạo được tổ chức vào tháng 11 vừa qua. Trong thời gian tới, Hội sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể khuyến khích nông dân đẩy mạnh sáng tạo trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp ở tỉnh. Cùng với đó, chúng tôi cũng sẽ có phương án hỗ trợ đối với những sáng kiến có tiềm năng để hoàn thiện những sáng tạo, sáng chế này.
Những người nông dân chân lấm tay bùn, họ có thể chưa biết nhiều khoa học hiện đại, không được học về chế tạo máy, có người chỉ vừa học hết THCS, THPT nhưng bằng sự sự nỗ lực, đam mê họ đã sáng tạo ra nhiều máy móc, cách làm mới, hiệu quả phục vụ lợi ích của nhà nông. Bên cạnh đó, những nhà sáng chế nông dân vẫn cần có các chính sách khuyến khích của Nhà nước, sự giúp sức của các chuyên gia để hoàn thiện những sáng chế của mình, góp phần tích cực hơn nữa vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.