Ngành Công nghiệp của tỉnh đang trong giai đoạn dịch chuyển nhanh đến chóng mặt. Trên cơ sở chuyển dần từ công nghiệp truyền thống sang công nghiệp công nghệ cao, sự chuyển dịch này đã đóng góp một lượng lớn vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Nhiều nhà phân tích cho rằng, năm 2014 là năm đánh dấu sự dịch chuyển lớn theo hướng phù hợp trong cơ cấu nội ngành công nghiệp của tỉnh.
Công đầu của sự dịch chuyển thiên về công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh năm 2014 thuộc về Tập đoàn Samsung, bởi chính nhà đầu tư này đã không chỉ tạo làn sóng đầu tư vốn FDI khổng lồ mà còn hút các dự án có hướng công nghệ cao vào tỉnh. Samsung đã tạo ra một chuỗi giá trị có hàm lượng thông minh vượt trội với sức đóng góp lớn cho cả ngành Công nghiệp. Nếu năm 2013 giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp của tỉnh chỉ đạt gần 39 nghìn tỷ đồng, thì năm 2014 với sự xuất hiện của Samsung và chuỗi các dự án phụ trợ, giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng tới mức khó tin, 160 nghìn tỷ đồng, gấp 6,3 lần so với năm trước, tức là tăng tới 530%. Trong đó, khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có sức đóng góp lớn nhất, chiếm tỷ trọng tới 84% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Chính sự đóng góp của Samsung và các doanh nghiệp FDI khác đã quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói chung và của toàn ngành công nghiệp nói riêng. Trong năm, khu vực có vốn FDI đã đạt giá trị sản xuất tới 134,2 nghìn tỷ đồng, bằng 845% kế hoạch .
Samsung dù mới đi vào sản xuất từ tháng 3 năm nay với các nhóm sản phẩm công nghiệp mới có hàm lượng công nghệ cao là điện tử, viễn thông, nhưng đã cho ra đời khoảng 24 triệu chiếc điện thoại thông minh, 9 triệu chiếc máy tính bảng và một lượng lớn bao da ốp lưng điện thoại. với giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD. Từ khi đầu tư vào tỉnh, Samsung đã hút thêm một loạt các dự án chuyên sản xuất sản phẩm linh phụ kiện điện tử vào làm phụ trợ. Chính điều đó đã tạo ra sự dịch chuyển trong nội tại ngành Công nghiệp. Xin lấy một ví dụ, Công ty TNHH Glonics, đơn vị phụ trợ của Samsung, hiện đã hoàn thiện Nhà máy chuyên sản xuất tai nghe, loa và màng rung phục vụ sản xuất hàng điện tử. Nhà máy này tuyển dụng tới 6.500 lao động; ngoài ra, các dự án vốn FDI xuất hiện trước đó cũng đã góp phần đáng kể gia tăng tỷ trọng công nghệ cao cho ngành Công nghiệp của tỉnh.
Phân tích của các chuyên gia theo diễn biến sản xuất công nghiệp từng trên địa bàn từng thời điểm trong năm 2014 cho thấy: 2 tháng đầu của năm, sản xuất công nghiệp diễn biến khá chậm, chỉ tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, bước sang tháng 3, trên địa bàn tỉnh bắt đầu có sự xuất hiện các sản phẩm công nghiệp mới là điện tử và viễn thông của Samsung, nên đã tạo ra mức tăng đột phá chưa từng thấy của cả ngành Công nghiệp tỉnh. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 49.800 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước và vượt 1,3% kế hoạch năm, về trước kế hoạch 6 tháng. Sang 6 tháng cuối năm, sản xuất tăng rất mạnh, gấp hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm, trong đó đáng chú ý vẫn là sức đóng góp lớn của khu vực công nghiệp công nghệ cao mà Samsung là đơn vị dẫn đầu.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, sản xuất công nghiệp về trước kế hoạch tới 6 tháng là một kỷ lục từ trước đến nay. Đây là bước đột phá quan trọng của ngành công nghiệp, đánh dấu sự phát triển kinh tế vượt trội của tỉnh. Các nhà chuyên môn dự báo, năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục tăng bởi có thêm một số dự án đi vào sản xuất ổn định, trong đó có những dự án quy mô lớn với hàm lượng công nghệ rất cao như Dự án đầu tư giai đoạn 2 của Samsung, sẽ chiếm tới 30-40% giá trị sản xuất toàn ngành.
Khi ngành công nghiệp có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang một khu vực hiệu quả hơn thì chắc chắn, những lĩnh vực cũ sẽ gặp không ít khó khăn, đòi hỏi hoặc là loại bỏ hoặc phải dần thay đổi để thích ứng. Khu vực công nghiệp trong nước (gồm cả công nghiệp Trung ương và địa phương) với các lĩnh vực sản xuất truyền thống hiện đang phải đối mặt trước những trở ngại, trong đó, đáng chú ý là khối các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện tại, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp trong khối này vẫn chiếm tỷ lệ khá cao: Thép cán tồn kho trên 20 nghìn tấn; xi măng tồn kho hơn 15 nghìn tấn; than khai thác tồn 40 nghìn tấn; quặng sắt tồn kho trên 300 nghìn tấn...
Sự dịch chuyển theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp là rất cần thiết, nhất là chúng ta đang tiến dần tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020. Tuy nhiên, trong quá trình dịch chuyển cũng cần dành sự quan tâm nhiều hơn đến khu vực công nghiệp truyền thống, bởi không thể và cũng không nên xem nhẹ ngành công nghiệp đã gắn bó và trở thành nền tảng vững chắc cho kinh tế của tỉnh nhiều năm qua. Sự quan tâm đó phải được cụ thể bằng các cơ chế chính sách cũng như những giải pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng phát triển cho khu vực đang được xem là có phần lép vế này.