Bảo đảm đủ hàng hóa, ổn định giá trong dịp Tết

08:05, 12/01/2015

Mặc dù thời gian qua, sức mua của người tiêu dùng (NTD) có giảm nhưng thị trường vẫn được kỳ vọng khả quan nhờ những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị bán lẻ đã chuẩn bị nguồn hàng có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, đưa ra thị trường từ rất sớm, nhằm kích cầu sức mua của người dân.
 

Nguồn cung dồi dào

 

Theo nhận định của một số chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp (DN) thương mại lớn, sức mua hàng của người dân năm nay sẽ tăng khoảng 10 đến 15% so năm trước, thời gian trước và sau Tết sẽ có những biến động mạnh về lượng hàng hóa tiêu thụ, tập trung chủ yếu vào một số nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các nhóm hàng bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát,... Để tránh tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết, Bộ Công thương yêu cầu các DN cần có kế hoạch tích trữ đầy đủ những mặt hàng thiết yếu ngay từ bây giờ để tránh hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

 

Đến thời điểm này, cả DN sản xuất và thương mại đều đã lên kế hoạch tăng sản lượng sản xuất và dự trữ nguồn hàng từ 10 đến 20% so năm trước nhằm bảo đảm cung cấp đủ lượng hàng hóa ra thị trường. Đại diện Công ty cổ phần Bibica cho biết, sẽ đưa ra thị trường Tết khoảng 1.350 tấn bánh kẹo và sô-cô-la các loại, tăng 20% so năm trước với các dòng sản phẩm đa dạng, mức giá dao động từ 100 nghìn đến 170 nghìn đồng/hộp. Cùng với đó, Bibica cũng cam kết có khoảng 30% sản phẩm giữ nguyên giá của năm 2014, số mặt hàng còn lại tăng ít nhất 5% do chi phí đầu vào tăng. Một trong những mặt hàng tiêu thụ mạnh trong dịp Tết là bia, rượu, nước giải khát cũng được dự báo sẽ tăng gấp hai đến ba lần so các tháng bình thường. Giống như Bibica, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho biết, đã lên kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa từ rất sớm. Là một trong những hệ thống bán lẻ lớn hiện nay, Siêu thị Big C Thăng Long cũng chuẩn bị lượng hàng hóa khá dồi dào và phong phú, lượng hàng dự trữ tăng khoảng 15 đến 20% so năm trước.

 

Cùng với đó, siêu thị liên tục triển khai các chương trình khuyến mãi kích cầu, giảm giá, tăng cường dịch vụ hỗ trợ, hậu mãi như giao hàng miễn phí, mua hàng trả góp,... nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khách đến mua sắm tại siêu thị. Phó Tổng Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long Nguyễn Thái Dũng cho biết, đã làm việc với các nhà cung cấp ngay từ tháng 9-2014 để bảo đảm giá nhập các mặt hàng không tăng đột biến trong những ngày giáp Tết. Theo đó, siêu thị tập trung bán các mặt hàng phục vụ Tết như lương thực, thực phẩm tươi sống, thủy, hải sản, bánh kẹo, đồ uống, quà tặng, đồ gia dụng... Các mặt hàng thực phẩm truyền thống như bánh chưng, giò, nem, phở, mứt Tết,... cũng được chuẩn bị khá chu đáo. Ngoài ra, một số mặt hàng thiết yếu nằm trong chương trình bình ổn giá như gạo, dầu ăn, đường, thực phẩm chế biến,... cũng được đơn vị dự trữ với số lượng lớn; đồng thời cam kết giữ nguyên giá bán các mặt hàng đã niêm yết đến hết tháng 2 tới, khuyến mãi và giảm giá lên đến 50% cho 4.000 sản phẩm chủ đạo để phục vụ nhu cầu mua sắm của NTD.

 

Cảnh giác với hàng giả, hàng nhái

 

Khi nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao, mối nguy mua phải hàng giả, hàng nhái càng lớn, bởi có rất nhiều mánh khóe làm giả mà người dân không biết, chưa kể đến việc sản phẩm bị lùi ngày sử dụng cả năm trời. Đáng lo ngại hơn, những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng, nguy cơ bị làm giả, nhái lại càng nhiều.

 

Mọi năm, vào thời điểm cận Tết, các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhái thương hiệu được bày bán tràn lan, nhưng năm nay, NTD đã mạnh dạn hơn trong việc tiêu thụ hàng sản xuất trong nước.

 

Khảo sát tại một số siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội, các sản phẩm bánh kẹo có thương hiệu của Việt Nam như: Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Hữu Nghị,... đang chiếm hơn 80% trên các kệ hàng và được NTD quan tâm hơn nhờ mẫu mã đa dạng, giá cả hợp lý và bảo đảm an toàn vệ sinh.

 

Theo chị Minh Tâm, chủ một cửa hàng chuyên bán bánh, mứt, kẹo trên phố Hàng Buồm, các sản phẩm bánh kẹo phục vụ thị trường Tết thì thương hiệu, giá cả, chất lượng là những yếu tố quyết định tới việc mua sắm của khách hàng.

 

Năm nay, hàng nội tỏ ra đắt khách vì NTD quan tâm đến chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, bánh kẹo bình dân bán theo cân, theo túi ít được lựa chọn, tiêu thụ rất chậm. Cũng theo chị Tâm, các loại mứt, ô mai do các công ty bánh kẹo trong nước sản xuất có mức giá khá hợp lý, chỉ từ 40 đến 80 nghìn đồng/hộp, mứt Tết dao động từ 50.000 đến 200 nghìn đồng/hộp, tương đối phù hợp với hầu hết khách hàng.

 

Hàng giả, hàng nhái không chỉ ảnh hưởng trực tiếp người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, quyền lợi của các công ty sản xuất trong nước. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi nhà sản xuất phải đưa ra những biện pháp tự bảo vệ mình.

 

Giống như nhiều nhà sản xuất khác, Công ty cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị cho in đầy đủ thông tin thành phần, nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu sản phẩm, lô-gô,... trên bao bì sản phẩm và đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp một số nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời, kiện toàn hệ thống phân phối gồm ba kênh song song với hàng nghìn đại lý, điểm bán lẻ trên cả nước. Việc phân phối sản phẩm theo cách này đã góp phần "khép kín" đường đi của sản phẩm, từ nhà sản xuất đến NTD một cách chính thống. Đây cũng là cách để DN khẳng định được thương hiệu của mình và khắc phục triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái bị trà trộn.

 

Ngoài bánh kẹo, rượu nhập khẩu cũng là mặt hàng được tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm cho nên thường bị làm giả, làm nhái. Theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) Đỗ Hồng Hải, hiện nay, các "chiêu trò" làm giả rượu ngoại ngày càng tinh vi, khó nhận biết, nên NTD dù cẩn thận đến đâu cũng không thể phát hiện hàng giả, hàng nhái. Vì vậy, để phòng, chống hiệu quả tình trạng rượu giả hoành hành trên thị trường, đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ của các DN và cơ quan chức năng. Đồng thời, NTD cần có hành động thiết thực ủng hộ nỗ lực chống hàng giả của Chính phủ nên lựa chọn mua sắm ở các cửa hàng uy tín, được tuyển chọn hay ủy quyền của nhà sản xuất.

 

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Đỗ Thanh Lam, từ nay đến Tết Nguyên đán là khoảng thời gian hàng giả, hàng nhái được buôn bán mạnh nhất, quy mô lớn nhất trong năm. Vì vậy, Cục đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái. Tập trung kiểm tra, xử lý việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm như pháo nổ, các mặt hàng thiết yếu, tiêu thụ nhiều như rượu ngoại, thuốc lá ngoại, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, gia súc, gia cầm,... tại điểm tập kết hàng hóa, kho tàng, bến bãi, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối. Phó Cục trưởng Đỗ Thanh Lam cũng khuyến cáo, người dân nên chọn mua những sản phẩm có uy tín, không nên vì ham rẻ mà mua những mặt hàng trôi nổi, không có xuất xứ nguồn gốc chất lượng trên thị trường. Như vậy, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe, quyền lợi NTD, vừa giảm bớt chi phí trong thời buổi kinh tế khó khăn.