Chưa vơi sức nặng

17:23, 21/01/2015

Hẳn mọi người đều biết nợ công của cả nước đến năm 2014 đang gần kịch trần cho phép. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại đối với nền kinh tế.

Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 lại có hẳn một mục "thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính". Chỉ đạo đó sẽ được cụ thể hóa ở các địa phương ra sao, và với Thái Nguyên chúng ta thực hiện thế nào?

 

Chính phủ chỉ đạo: Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước. Cần thiết sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2014 để ưu tiên trả nợ và tăng chi đầu tư phát triển. Không đề xuất, ban hành chính sách, chế độ mới làm giảm thu ngân sách, hoặc tăng chi ngân sách khi chưa có nguồn đảm bảo. Phải tổ chức rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, hạn chế tối đa xử lý bổ sung ngoài dự toán quy định.

 

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải thực hiện tiết kiệm chi các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý Nhà nước, sự nghiệp công; cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài. Điều đặc biệt, tuyệt đối không được mua xe công, trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật, xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị mới thành lập mà không có xe để điều chuyển, xe ô tô bị hư hỏng do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe phục vụ công tác.

 

Để hạn chế tối đa các khoản chi tiêu công, Chính phủ chủ trương không ứng trước dự toán ngân sách Nhà nước năm sau trừ trường hợp đặc biệt thiên tai, bão lũ, an ninh quốc phòng. Dừng triển khai và thu hồi các khoản kinh phí mua sắm, sửa chữa, đầu tư đến này 30-6-2015 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu. Quản lý chặt chẽ nợ công, cơ cấu lại nợ công, thường xuyên theo dõi, đánh giá về an toàn nợ công, báo cáo Chính phủ định kỳ 6 tháng, hàng năm. Cơ cấu lại các khoản vay nợ ngắn hạn, chuyển sang các khoản vay nợ trung và dài hạn, giảm chi phí vốn vay...

 

Một loạt các yêu cầu trên của Chính phủ đã cho chúng ta thấy vấn đề chi tiêu công năm 2015 có phần thiết chặt hơn các năm trước. Thực tế cho thấy, ngay như ở Thái Nguyên chúng ta tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản những năm gần đây là không nhỏ. Không ít doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng nhiều lúc phải thốt lên rằng "quá khó để thu hồi vốn". Hầu hết các doanh nghiệp này phải ứng vốn để đầu tư xây dựng, trung bình mỗi đơn vị ứng trước vài chục tỷ đồng. Tuy nhiên, khi hoàn thiện, nghiệm thu và quyết toán công trình không phải dự án nào cũng được giải ngân kịp thời. Năm 2014, tỉnh cũng đã thống kê một loạt các dự án đầu tư công dàn trải, không hiệu quả, lãng phí và không sử dụng được trên địa bàn. Trong đó, có 14 dự án đầu tư công không hoàn thành đúng tiến độ theo quy định... Bởi vậy, mấy năm nay, tỉnh luôn chủ trương thực hiện việc xem xét, cắt giảm, đình hoãn dự án, hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết để đảm bảo tập trung vốn cho các dự án cấp bách trên địa bàn. Chẳng nói đâu xa, khi Tập đoàn Samsung có dự định đầu tư vào tỉnh, để đảm bảo tiến độ cho nhà đầu tư có vốn FDI khổng lồ này, tỉnh ta đã tập trung tất cả nguồn lực, kể cả bố trí nguồn vốn vay để lo mặt bằng cũng như các điều kiện cần thiết khác cho nhà đầu tư. Đó là điều dễ hiểu bởi bài học về sự chậm trễ để tuột các nhà đầu tư lớn trước đó vẫn còn rất thời sự đối với chúng ta. Và thực tế, quyết định đó đã được đền đáp tương xứng khi Samsung đã và đang tạo ra bước đột phá rất lớn đối với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cả tỉnh, dù biết rằng để hút được các dự án tỷ đô của Samsung, một số công trình dự án khác phải chậm lại so với dự kiến ban đầu.

 

Trước những khoản nợ công, nợ xây dựng cơ bản gối từ năm này sang năm khác, thời gian gần đây, tỉnh ta chủ trương hạn chế tối đa việc khởi công đầu tư các công trình, dự án mới hoặc chỉ xem xét khởi công các công trình, dự án khi đã cân đối được nguồn vốn để dành nguồn trả nợ, thanh toán các công trình, dự án đã hoàn thành nhưng chưa được thanh toán hoặc đã nghiệm thu, quyết toán. Bước sang năm 2015, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã được chỉ đạo phải rà soát các nội dung đầu tư, cắt giảm các chi phí, hạng mục chưa cần thiết; căn cứ khả năng cân đối ngân sách, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án và xem xét quyết định dừng những dự án chưa thật cấp bách để tập trung vốn cho các dự án cấp thiết, hiệu quả hơn.

 

Chính vì vậy, các khoản chi tiêu công khác trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ  bị cắt giảm tối đa. Ngành Tài chính được giao nhiệm vụ phối hợp quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm chi đúng dự toán được duyệt. Chủ động tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý Nhà nước, sự nghiệp công; cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài. Và đặc biệt, năm 2015 sẽ không mua xe công với bất kỳ trường hợp nào. Tiến hành thu hồi bổ sung vào ngân sách địa phương đối với các khoản chi đến 30-6-2015 chưa phân bổ chi tiết hoặc chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán...

 

Những yêu cầu, đòi hỏi phải siết chặt chi tiêu công chắc chắn sẽ tạo ra không ít khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ. Song, thực tế cho thấy, với tình hình nợ công vẫn còn, đọng vốn xây dựng cơ bản chưa hết, có khả năng còn kéo dài, nếu không có những năm "hãm" các khoản chi tiêu như năm nay thì việc giải quyết dứt điểm các khoản nợ là rất khó. Việc cắt giảm chi tiêu, hạn chế thấp nhất khởi công xây dựng công trình mới cũng sẽ tác động không nhỏ đến tình hình thị trường, nhất là thị trường xây dựng. Để giải quyết vấn đề này, nhiều khả năng năm nay tỉnh ta sẽ triển khai phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn bố trí cho các công trình trọng điểm, cấp bách, giúp cải thiện thị trường.

 

Việc cắt giảm chi tiêu công sẽ thực hiện hiệu quả nếu có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Khi ban hành chính sách rất cần sự chính xác, mang lại hiệu quả thiết thực và quan trọng là phải dựa trên nhu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn, tránh trường hợp chi không đúng nguyên tắc hoặc bội chi ngân sách. Hiện nay, không riêng gì chúng ta, rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang rất lo ngại việc phải dùng đến các biện pháp bất khả kháng là thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn để bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước...