Những năm trở lại đây, ngày càng có nhiều ngân hàng (NH) lựa chọn Thái Nguyên để mở chi nhánh hoặc phòng giao dịch.
Hiện, trên địa bàn tỉnh, ngoài NH Nhà nước, NH Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên và NH Chính sách xã hội, có tới 19 đơn vị NH tham gia cung ứng dịch vụ thanh toán và cho vay tín dụng đầu tư phát triển. Điều này đã và đang góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
Ông Ngô Thượng Trung, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Khải, tổ 15, phường Tân Thịnh, T.P Thái Nguyên bày tỏ: Chưa khi nào việc vay vốn NH lại thuận tiện, dễ dàng như hiện nay. Nếu như nhiều năm trước, NH mới được coi là “thượng đế” thì nay, ngôi vị đó đã thực sự thuộc về khách hàng là DN và người dân, bởi thay vì việc DN phải tìm đến NH thì nay, các NH đã chủ động tìm đến DN, tất nhiên đó phải là những DN hoạt động có hiệu quả. Đúng là khi có sự cạnh tranh, thì khách hàng bao giờ cũng là người được hưởng lợi. Và chính sự thuận lợi này đã giúp DN cũng như các hộ dân có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Bá Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thành Đạt, tổ 5, phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên nói: Lâu nay, Công ty chúng tôi có quan hệ tín dụng với một số NH trên địa bàn tỉnh và điều dễ dàng nhận thấy đó là tinh thần và cách thức phục vụ rất chuyên nghiệp. Họ luôn tư vấn và dành cho chúng tôi các gói tín dụng hợp lý, cách tính lãi suất cũng hết sức linh hoạt, giúp DN có nhiều cơ hội lựa chọn theo tình hình thực tế hoạt động của mình. Đặc biệt, với việc lãi suất của các NH được liên tục điều chỉnh giảm trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ giúp Công ty hoạt động hiệu quả hơn.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 chi nhánh NH thương mại (gồm 07 chi nhánh NH thương mại nhà nước; 12 chi nhánh NH thương mại cổ phần), 01 chi nhánh NH Chính sách xã hội, 01 chi nhánh NH Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên, 02 Quỹ tín dụng nhân dân, 01 tổ chức tài chính vi mô; 10 chi nhánh huyện, thành phố, thị xã trực thuộc NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên; 73 Phòng giao dịch trực thuộc các NH có trụ sở tại tỉnh Thái Nguyên; 05 Quỹ tiết kiệm; 137 máy rút tiền tự động ATM và 306 máy POS được kết nối liên thông với nhau. Với hệ thống NH được cho là khá hùng hậu đã và đang tạo ra rất nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình vay và cho vay, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.
Anh Nguyễn Văn Phú, Giám đốc NHTMCP Quốc Dân (NCB) - Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Bắt đầu hoạt động trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 với quy mô ban đầu là Phòng giao dịch trực thuộc NHTMCP Nam Việt - Chi nhánh Hà Nội. Đến tháng 7-2011, được sự chấp thuận của NH Nhà nước, chúng tôi đã nâng cấp lên thành chi nhánh. Tháng 1-2014, NHTMCP Nam Việt đổi tên thành NCB. Do nhiều năm liền hoạt động không hiệu quả nên Nam Việt là một trong 9 ngân hàng nằm trong lộ trình tái cơ cấu theo chỉ đạo của NH Nhà nước từ cuối năm 2012 đến cuối năm 2013 thì hoàn thành, với việc tự tái cấu trúc bằng chính nguồn lực của mình. Trong quá trình hoạt động, NCB luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là của NHNN Chi nhánh Thái Nguyên đã luôn chỉ đạo sát sao và đối xử công bằng giữa các ngân hàng trên địa bàn.
Năm 2014, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, tốc độ tăng trưởng tín dụng của cả nước tiếp tục có xu hướng chậm lại, với mức tăng hơn 12% nhưng với Thái Nguyên, con số này đạt tới 18,17%. Cùng với đó, hiệu quả dòng vốn tín dụng của hệ thống NH trên địa bàn cũng ngày càng được nâng cao; tỷ lệ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức thấp (hiện chỉ chiếm dưới 1% trên tổng dư nợ), góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Đặc biệt, cơ cấu tín dụng ngày càng phù hợp với chủ trương phát triển KT-XH của tỉnh, với việc tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến hết năm 2014, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 25.416 tỷ đồng, tăng 28,48% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế (không bao gồm NH Phát triển) đạt 27.259 tỷ đồng, tăng 18,17% so với cuối năm 2013.
Đặc biệt, trong năm 2014, thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, NHNN Chi nhánh tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối NH - DN nhằm đối thoại trực tiếp giữa NH với DN, khách hàng cũng như với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị qua đó giúp DN và khách hàng tháo gỡ khó khăn; ký kết hỗ trợ vốn vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, khách hàng. Theo đó, Chương trình kết nối đã thu hút được sự tham gia của 100% NH thương mại trên địa bàn và đến hết năm 2014, đã có 224 khách hàng tham gia Chương trình, với tổng số tiền được các NH cam kết lên tới 3.682 tỷ đồng. Có hợp đồng tín dụng cho vay mới, có hợp đồng giảm lãi suất các khoản vay trước (từ hơn 10% xuống còn 7-9%), có hợp đồng điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng, nhiều hợp đồng cùng lúc được thực hiện từ 2-3 điều khoản nêu trên.
Theo đồng chí Lê Quang Huy, Giám đốc NHNN Chi nhánh tình Thái Nguyên, trong thời gian tới, ngành NH sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, sẽ có một số NH thực hiện việc sáp nhập hoặc tự tái cấu trúc bằng nguồn lực của mình. Cùng với đó, sẽ có thêm một số NH được mở mới và mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch tại Thái Nguyên. Với các điều kiện như vậy, chắc chắn người dân và DN của tỉnh sẽ được hưởng lợi từ việc cho vay và vay vốn để sản xuất, kinh doanh cũng như từ các dịch vụ NH khác, đồng thời góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ thị trường thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch KT-XH của địa phương, đáp ứng yêu cầu hội nhập.