Ghi nhận ở các làng nghề mộc mỹ nghệ

09:59, 07/01/2015

Những ngày này, đi trên các con đường dẫn vào 3 làng nghề mộc mỹ nghệ của huyện Phú Bình, không khó để chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc tấp nập, nhộn nhịp của từng cơ sở làm nghề. Nói như anh Đàm Thế Thụ, Hội trưởng Hội làng nghề mộc mỹ nghệ Phú Lâm, xã Kha Sơn thì đây đang là thời vụ nên ai nấy đều hối hả, tất bật để kịp chuyển hàng đến tay người đặt mua vào trước ngày giáp Tết…

Theo nhiều chủ cơ sở mộc mỹ nghệ, cứ từ tháng 9 âm lịch hằng năm, lượng khách đặt hàng tăng khoảng 2 lần so với thời điểm giữa năm. Bởi tâm lý chung của nhiều người là muốn sắm sửa cho gia đình mình một vài thứ gì đó để đón chào năm mới. Anh Dương Nghĩa Thành, xóm Tân Sơn 9, một trong những hộ làm nghề có tiếng của Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương cho biết: Năm nay, lượng hàng mà cơ sở tôi nhận được tăng đáng kể so với năm trước. Để có được điều đó thì cơ sở phải cải tiến mẫu mã, chất lượng và kỹ thuật, đồng thời ổn định về giá bán. Đơn cử như một bộ bàn ghế quốc voi làm bằng gỗ lát chun đẹp hiện có giá khoảng 40 triệu đồng/bộ 6 món, còn nếu ở mức trung bình có giá khoảng 25 triệu đồng, chỉ cao hơn trước từ 2-3 triệu đồng. Hay như 1 giường gỗ lát đẹp, kiểu cách, với kích thước 1,6mx2m hiện có giá 10 triệu đồng, cao hơn trước khoảng 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

 

Cùng chung nhận xét với cơ sở sản xuất của Làng nghề Phương Độ, nhiều hộ làm nghề ở Làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu, xã Nga My cũng cho rằng năm 2014 là năm có nhiều khởi sắc. Đây cũng là năm mà Làng nghề chính thức được UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Theo anh Tạ Văn Hưng, Trưởng ban Quản lý làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu: Từ sau khi được công nhận làng nghề, khách hàng đến với các cơ sở mộc trên địa bàn xã ngày càng nhiều hơn và so với năm 2013 tăng khoảng 25-30%. Khác với 2 làng nghề Phú Lâm và Phương Độ, ở làng nghề An Châu, ngoài đóng các đồ nội thất gia đình, nhiều cơ sở mộc ở đây còn đảm nhận cả phần việc khôi phục và làm mới các ngôi nhà kiểu truyền thống (nhà cổ) của làng quê Việt. Cũng chính nhờ có nghề làm nhà cổ này mà ở Nga My, hàng chục ngôi nhà cổ đã được tu sửa, khôi phục và rất nhiều ngôi nhà khác được làm mới theo kiểu dáng này,  góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo của làng quê Việt.

 

Không giống với sự “ăn nên làm ra” như với 2 làng nghề Phương Độ và An Châu, nhiều cơ sở của Làng nghề mộc mỹ nghệ Phú Lâm, xã Kha Sơn gọi năm 2014 là năm “mất mùa” bởi lợi ích kinh tế mà họ thu được thụt giảm đáng kể so với năm 2013. Nguyên nhân là do lượng hàng mà họ xuất sang Trung Quốc (thông qua doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh) bị giảm mạnh, chỉ còn bằng khoảng 20% so với trước đó. Trong khi đó, các sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với hàng nội tiêu mà lại không đòi hỏi sự cầu kỳ, tỷ mỉ (không cần phun sơn, đánh giấy ráp và lắp ghép). Chính vì sự biến động này nên những hộ làm nghề ở đây buộc phải chú ý nhiều hơn đến việc tìm kiếm thị trường trong nước.

 

Theo chị Nguyễn Thị Tố Loan, Chủ Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Loan Tạo, xóm Phú Lâm thì tuy thu nhập trong năm 2014 của gia đình chỉ bằng một phần của năm 2013, nhưng điều an ủi đối với chị và nhiều cơ sở mộc khác của Làng nghề đó là lượng hàng phục vụ nội tiêu lại tăng đáng kể. Ngoài khách hàng là người trong huyện, có một lượng không nhỏ ở các địa phương lân cận trên địa bàn tỉnh và ở các tỉnh khác, như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh… Cũng như nhiều cơ sở khác của Làng nghề, thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng khai thác nhiều hơn đến đối tượng khách hàng này để có được sự bền vững, ổn định lâu dài.

 

Theo thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Bình, giá trị sản xuất năm 2014 của 3 làng nghề mộc mỹ nghệ trên địa bàn đạt khoảng 12 tỷ đồng, trong khi đó năm 2013 đạt 25 tỷ đồng. Số lao động bình quân của mỗi cơ sở cũng bị giảm đi khá nhiều, song số cơ sở được mở mới tại các làng nghề cũng như ở các địa phương khác trên địa bàn lại có xu hướng tăng lên. Ngoài 115 cơ sở đang hoạt động tại 3 làng nghề, thì toàn huyện hiện còn có khoảng 200 hộ khác cũng mở xưởng tại nhà, nằm rải đều ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi cơ sở có từ 2-3 thợ chính, 1-2 thợ phụ. Bên cạnh đó, cũng có khoảng 200 hộ khác có người tham gia làm nghề mộc thông qua việc nhận khoán sản phẩm về làm tại nhà. Hiện, lương trung bình của thợ chính đạt trên dưới 250 nghìn đồng/công lao động, thợ phụ 170-180 nghìn đồng, còn thợ đánh giấy ráp từ 100-120 nghìn đồng (tăng trung bình từ 10-40 nghìn đồng/công lao động – tùy khả năng của thợ so với năm 2013).

 

Một tín hiệu vui mà theo các hộ làm nghề cho biết đó lượng khách đặt hàng vào dịp Tết năm nay tăng đáng kể so với Tết 2013. Không ít cơ sở còn nhận được các đơn đặt hàng đến hết tháng 2-3 âm lịch năm sau. Điều này hứa hẹn về một năm mới với những bận rộn và hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.