Lâu nay, việc vứt bừa bãi vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng ngay tại các cánh đồng trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã trở thành thói quen của nhiều người dân.
Điều này làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm bởi dư lượng hóa chất còn sót lại trong các bao bì đựng thuốc. Để khắc phục tình trạng trên, năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Thành phố đã chỉ đạo các cơ sở Hội triển khai thực hiện mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Gần 4 tháng nay, sau khi Hội LHPN phường Túc Duyên triển khai mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, mỗi lần phun thuốc trừ sâu cho hoa và các loại rau màu của gia đình, chị Đinh Thị Thúy, ở tổ 23, phường Túc Duyên và bà con nông dân trong tổ thường thu gom bao bì và bỏ vào cống bê tông đặt ven đường. Thói quen tưởng chừng đơn giản này đã đem lại lợi ích rất lớn so với việc vứt vỏ chai bừa bãi như trước kia. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Thúy cho biết: Cánh đồng này chúng tôi chủ yếu chuyên canh hoa và các loại cây rau màu. Trước đây, mỗi lần phun thuốc xong, các hộ dân đều vứt bừa bãi ngay ở đường đi hoặc ở bể nước tự xây của gia đình, ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh lao động, gây ô nhiễm môi trường và ách tắc dòng chảy kênh mương. Sau khi Hội LHPN phường lắp cống bê tông để chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, tôi thấy các hộ dân đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác thải đúng nơi quy định để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và những người xung quanh.
Cùng với Túc Duyên, Thịnh Đức cũng là địa phương có nhiều hộ làm nông nghiệp. Toàn xã hiện có 375ha đất chuyên cấy lúa, rau màu và 300ha trồng chè. Hàng năm lượng rác thải của bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải ra các cánh đồng và kênh mương là rất lớn, chị Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Thịnh Đức cho biết: Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, tháng 10-2014, Hội LHPN xã đã ra mắt 2 câu lạc bộ thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại xóm Đức Cường và xóm Lượt 1. Đây là 2 xóm nằm gần Tỉnh lộ 262 và có 100% số hộ làm nông nghệp. Ban đầu, việc vận động hội viên tham gia còn gặp nhiều khó khăn, bởi việc bỏ rác không đúng quy định đã trở thành thói quen của đa số người dân. Vì vậy, chúng tôi đã chủ động thành lập các đội vận động, tuyên truyền, hướng dẫn hội viên cách xử lý, phân loại rác và được chị em đồng tình hưởng ứng. Để giúp các chi hội có thêm kinh phí xây dựng mô hình, Hội đã hỗ trợ mỗi chi hội 200 nghìn đồng để đầu tư xây dựng 2 bể chứa. Dự kiến tới đây, Hội sẽ tiếp tục vận động các chi hội xây dựng bể thu gom để thuận tiện cho nhân dân bỏ vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Nói về hiệu quả của mô hình, ông Lê Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức cho biết: Mô hình đã được bà con nông dân và các tổ chức đoàn thể tích cực tham gia, góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Được biết, năm 2014, T.P Thái Nguyên có 10 Hội Phụ nữ cơ sở triển khai và ra mắt được 12 mô hình tổ phụ nữ thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Nhìn chung, các mô hình bước đầu hoạt động khá hiệu quả, người dân đã có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhiều cánh đồng, kênh mương không còn tình trạng bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng vứt bừa bãi. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của các hộ dân hiện nay là việc xử lý các rác thải sau khi đã thu gom. Nguyễn Thị Phương Thanh, Chủ tịch Hội LHPN phường Túc Duyên cho biết: Khi lượng rác ở các cống đầy, chúng tôi tự giác đem tới các điểm tập kết của tổ để công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị thu gom. Tuy nhiên, đó chỉ là phương án trước mắt, về lâu dài, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng quan tâm nghiên cứu cách xử lý loại rác thải này để đảm bảo an toàn cho môi trường.